Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Tĩnh: Giải pháp phòng ngừa thiệt hại kinh tế khi cam rụng quả hàng loạt

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Cam là cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trước hiện tượng cam bị rụng quả hàng loạt, chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn đang tập trung nhiều giải pháp chăm sóc, phòng ngừa, giúp người dân ổn định phát triển kinh tế.

Thời gian này, người trồng cam trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hết sức lo lắng, bởi cam sắp đến kỳ thu hoạch đại trà thì quả bị rụng hàng loạt và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong đó, rất nhiều nhà vườn mỗi ngày phải thu gom hàng tấn quả cam rụng đem đi đổ, phòng ngừa sâu bệnh sau này.

Ông Trần Thắng ở xã Đức Hương, huyện Vũ Quang rất buồn bã, lo lắng vì cam bị rụng quả hàng loạt, gây thiệt hại về kinh tế. (Ảnh: PV)
Ông Trần Thắng ở xã Đức Hương, huyện Vũ Quang rất buồn bã, lo lắng vì cam bị rụng quả hàng loạt, gây thiệt hại về kinh tế. (Ảnh: PV)

Qua tìm hiểu được biết, cam rụng quả hàng loạt chủ yếu do nắng hạn, sau đó mưa lớn kéo dài, nhiều diện tích cam bị úng nước. Ngoài ra, hiện tượng rụng quả còn do nấm bệnh, côn trùng chích hút, nhưng chưa được phòng ngừa kịp thời. Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến cam rụng quả, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và thu nhập của người dân.

Hầu hết qủa cam bị rụng đều có dấu côn trùng chính hút, gây hại (Ảnh: PV)
Hầu hết qủa cam bị rụng đều có dấu côn trùng chính hút, gây hại (Ảnh: PV)

“Bình quân mỗi năm, cây cam đã mang về cho gia đình nguồn thu nhập hơn 200 triệu đồng. Còn năm nay chưa thể thống kê cụ thể, vì ở những diện tích tiêu úng, thoát nước tốt, đặc biệt là dùng bao bọc quả thì cam rất ít bị rụng, phát triển ổn định, riêng ở những vùng chưa bọc quả kịp thời đã bị rụng khá nhiều, gây thiệt hại về kinh tế”, bà Phan Thị Nga ở xã Đức Hương, huyện Vũ Quang cho biết.

Những diện tích cam tiêu úng, thoát nước tốt, đặc biệt là sử dụng bao bọc quả thì tỷ lệ rụng ít hơn (Ảnh: PV)
Những diện tích cam tiêu úng, thoát nước tốt, đặc biệt là sử dụng bao bọc quả thì tỷ lệ rụng ít hơn (Ảnh: PV)

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có khoảng hơn 7.700 ha cam các loại, tập trung chủ yếu ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc. Trong đó, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.000 ha cây cam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap. Nhiều năm trở lại đây, cây cam được xác định là cây trồng chủ lực, sản phẩm OCOP tiêu biểu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương.

Bao bọc quả được cho là biện pháp khá hữu hiệu, phòng ngừa côn trùng chích hút, gây rụng quả cam (Ảnh: PV)
Bao bọc quả được cho là biện pháp khá hữu hiệu, phòng ngừa côn trùng chích hút, gây rụng quả cam (Ảnh: PV)

Ông Nguyễn Xuân Diệu- Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc cho biết, toàn xã hiện có 270 ha cam, chủ yếu là các giống cam chanh và cam giòn. Bình quân mỗi ha cho hoạch 15 tấn, trị giá khoảng 500 triệu đồng.

“Năm nay, trước hiện tượng cam bị rụng quả, chính quyền địa phương đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân tích cực chăm sóc, bảo vệ, nhất là chủ động tiêu úng, thoát nước, phòng trừ nấm và sử dụng bao bọc quả phòng ngừa côn trùng gây hại. Với hiệu quả kinh tế cao, chất lượng thơm ngon, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, gần đây người dân đang tập trung chuyển đổi sang trồng cam giòn, thay thế các giống cam truyền thống.  

Hiện tượng cam rụng bị rụng quả hàng loạt, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế của người dân. Trước tình hình đó, chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn ở tỉnh Hà Tĩnh đang tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, cứu lấy quả cam khi đang trong thời kỳ thu hoạch quả.  

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, cây cam được xác định là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: PV)
Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, cây cam được xác định là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: PV)

Trao đổi với phóng viên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh Nguyễn Trí Hà cho biết: "Cam rụng quả là do trải qua thời gian nắng hạn gay gắt sau đó mưa to, cây cam bị úng nước; ngoài ra mưa ẩm có một số nấm bệnh phát sinh, quả cam sắp chín có vị ngọt, mùi thơm nên bị côn trùng (bướm lâm nghiệp) chích hút, gây rụng quả. Đơn vị đang tập trung tuyên truyền, khuyến cáo người dân đào rãnh tiêu úng, thoát nước và thu hoạch những diện tích cam đã chín tránh gây hại về kinh tế. Sử dụng bao bọc quả là biện pháp quan trọng để phòng ngừa côn trùng chích hút, gây hại. Tuy nhiên, việc sử dụng bao bọc quả trong giai đoạn hiện nay là hơi muộn, nếu người dân thực hiện sớm thì hiểu quả mang lại sẽ cao hơn”.