Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc- Nam qua địa bàn Hà Tĩnh gồm 3 dự án thành phần, trong đó đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dài 35,28km, đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng dài 54,2km, đoạn Vũng Áng - Bùng (qua Hà Tĩnh) dài 12,9km.
Để đáp ứng nhu cầu nguồn khoáng sản cho dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trên cơ sở đề xuất của Ban Quản lý Dự án Thăng Long, Ban Quản lý Dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) và các bên liên quan, UBND tỉnh đã có Văn bản số 2939 ngày 06/6/2022 thống nhất nguồn vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án.
Theo đó, toàn tỉnh có 28 mỏ đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoặc đã đấu giá thành công quyền khai thác khoáng sản. Trong đó, đá xây dựng 15 mỏ, tổng trữ lượng cấp phép trên 46 triệu m3; đất san lấp 11 mỏ, tổng trữ lượng đã cấp phép trên 24 triệu m3 và cát xây dựng 2 mỏ, tổng trữ lượng cấp phép gần 546.000 m3.
Cũng như nhiều vị trí quy hoạch mỏ phục vụ dự án cao tốc Bắc- Nam, thời gian này tại mỏ đất san lấp của Công ty TNHH Sáng Gia Tân Tiến ở xã An Dũng, huyện Đức Thọ máy móc, thiết bị hoạt động hết công suất phục vụ nhu cầu đất đắp thi công công trình. Qua tìm hiểu được biết, mỏ đất này có trữ lượng 700.000 m3 nguyên khai, công suất khai thác 50.000 m3/ năm, thời gian khai thác là 14 năm.
“Hiện nay chúng tôi đã ký hợp đồng cung cấp đất cho một số đơn vị thi công dự án cao tốc Bắc – Nam với khối lượng 50.000 m3/ năm. Trong khi đó, nhu cầu đất đắp rất lớn, nếu được chấp thuận nâng công suất khai thác lên 75.000 m3/ năm thì có thể sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu đất đắp cho các đơn vị thi công dự án”, ông Phan Công Chính- Công ty TNHH Sáng Gia Tân Tiến cho biết.
Nếu như các mỏ đất san lấp, mỏ đá trữ lượng khá dồi dào, thì vật liệu cát dự báo sẽ thiếu, bởi các mỏ cát xây dựng (2 mỏ ở huyện Vũ Quang và Đức Thọ, tổng trữ lượng gần 546.000 m3) đã cấp phép chưa thể đáp ứng nhu cầu về trữ lượng cũng như công suất khai thác phục vụ dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam đi qua tỉnh Hà Tĩnh.
“Trước đây mỏ cát được cấp phép chủ yếu để phục vụ xây dựng các công trình dân dụng và hạ tầng giao thông, thủy lợi, nay được quy hoạch phục vụ dự án cao tốc Bắc- Nam. Tuy nhiên, do mỏ cát đã gần hết hạn khai thác, đơn vị mong muốn được xem xét cho gia hạn mới có thể đáp ứng nhu cầu phụ vụ đường cao tốc”, đại diện Công ty TNHH Nga Lan ở thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ chia sẻ.
Nhu cầu vật liệu xây dựng (đất, đá, cát...) phục vụ dự án cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Hà Tĩnh rất lớn. Trong khi đó, phần lớn các mỏ đất, mỏ cát, bãi kinh doanh tập kết cát xây dựng, ngoài yếu tố trữ lượng, công suất khai thác, thì sự phân bố không đồng đều, cự ly vận chuyển xa cũng sẽ gây không ít khó khăn trong cung ứng vật liệu.
Trước tình hình đó, gần đây tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với Ban Quản lý Dự án Thăng Long, Ban Quản lý Dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải) và các địa phương, đơn vị liên quan. Qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là việc xem xét gia hạn, nâng công suất khai thác để đảm bảo đủ nguồn cung vật liệu xây dựng phục vụ thi công dự án.
Cùng với đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập các tổ liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại các mỏ, điểm kinh doanh vật liệu xây dựng có danh sách trong hồ sơ phục vụ thi công dự án; phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá, mua bán không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp (nếu có).
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho biết, cùng với tăng cường quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản, đánh giá, rà soát trữ lượng, công suất khai thác tại các mỏ, đơn vị cũng đã đề nghị các nhà thầu làm việc với các chủ mỏ để lấy nguồn vật liệu xây dựng đảm bảo khối lượng, chất lượng, đúng quy định hiện hành.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm của quốc gia và của tỉnh Hà Tĩnh. Với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của chủ đầu tư, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và các địa phương, đơn vị liên quan, những khó khăn, vướng mắc trong cung ứng vật liệu xây dựng đang từng bước được tháo gỡ kịp thời, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến độ dự án.