Video: Các phương tiện hạ tải trọng trên tuyến Quốc lộ 8A ở huyện Hương Sơn
Muôn nẻo ứng phó
Hiện nay, tại khu vực cổng B Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo, huyện Hương Sơn thường xuyên có hàng chục xe đầu kéo, xe container và xe tải cỡ lớn chở hàng từ Lào về Việt Nam dừng đỗ, hạ tải trọng tùy tiện, gây cản trở giao thông.
Qua quan sát, hầu hết các phương tiện vận tải, chủ yếu chở hàng nông sản (sắn lát) thùng xe đều chất cao ngất ngưỡng và được phủ bạt để đối phó với các cơ quan chức năng.
Qua tìm hiểu được biết, mỗi xe đầu kéo chở khoảng 50 tấn sắn lát, khi hạ tải sang xe khác thì mỗi xe chỉ còn chở khoảng 20-25 tấn sắn. Sắn chủ yếu được chở về Khu công nghiệp Nam Cấm, tỉnh Nghệ An.
“Hạ tải trọng vào ban ngày chỉ rơi vào những xe muốn nhập hàng đúng giờ quy định, còn rất nhiều phương tiện vận tải khác thì không hạ tải mà nằm chờ thời điểm thuận lợi, nhất là vào đêm tối để có thể vận chuyển hàng”, một lái xe quê ở huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An chia sẻ.
Phương tiện vận tải dàn hàng dừng đỗ sai quy định, hoặc hạ tải trọng ở mọi lúc, mọi nơi dọc tuyến Quốc lộ 8A gây nên cảnh lộn xộn, mất trật tự an toàn giao thông rất lớn. Ngược lại có không ít phương tiện không chấp hành hạ tải, mà cố tình nằm chờ ngày này qua ngày khác.
Quốc lộ 8A nối tỉnh Hà Tĩnh với nước bạn Lào qua Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đường chật hẹp, đèo dốc quanh co, phương tiện vận tải cồng kềnh rất khó di chuyển. Do vậy, mỗi khi các phương tiện vận tải đi từ Lào sang địa bàn các xã Sơn Kim I, thị trấn Tây Sơn, xã Sơn Tây… thì việc lưu thông sau đó sẽ thuận lợi.
Tiếp xúc với phóng viên, nhiều lái xe cho rằng, hàng nông sản (sắn lát) đã che phủ bạt có thể để nhiều ngày trong thùng xe, không bị hư hỏng. Còn nếu vận chuyển mà không hạ tải thì có thể sẽ bị xử phạt với số tiền rất lớn khi gặp các lực lượng chức năng. Giải pháp an toàn là tùy cơ ứng biến, nếu thấy thuận lợi thì đi, chưa thuận lời thì tạm thời dừng lại.
Đâu là giải pháp khả thi?
Khu vực cổng B rộng khoảng hơn 12 ha. Tuy nhiên, do hệ thống hạ tầng bến bãi xuống cấp, không đảm bảo các điều kiện quy định, nên hầu hết các phương tiện vận tải đã dừng đỗ, bốc dỡ hàng một cách tùy tiện trên Quốc lộ 8A hoặc những bãi đất trống ven đường, gây mất trật tự an toàn giao thông, nhất là vào lúc sáng sớm hoặc đêm tối.
Nếu như đội ngũ lái xe thiếu ý thức được cho là nguyên nhân chính dẫn đến việc hạ tải trong chưa mang lại hiệu quả thiết thực, thì nguyên nhân sâu xa vẫn là do công tác quản lý, kiểm soát tải trọng của các cơ quan, đơn vị chức năng chưa thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Bởi nếu siết chặt công tác quản lý thì có lẽ các phương tiện vận tải cồng kềnh, quá tải trọng sẽ rất khó lưu thông trên suốt chặng đường dài, nhất là khi đi sâu vào nội địa.
Liên quan đến những “chiêu trò” ứng phó, lách luật trong việc hạ tải trọng, gây mất trật tự an toàn giao thông, phóng viên đã nhiều lần liên hệ làm việc với chính quyền xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn. Vậy nhưng, ông Cao Văn Đức- Chủ tịch UBND xã Sơn Tây liên tục từ chối do bận họp và nhiều lý do không thuyết phục.
Chính quyền địa phương bất lực, hoặc đang cố tình bao che (nếu có) cho những hành vi sai phạm trong thực hiện chủ trương hạ tải trọng, nhằm lập lại trật tự kỷ cương giao thông. Điều đó cũng đồng nghĩa việc hạ tải trọng tại khu vực cổng B và vùng phụ cận sẽ rất khó mang lại kết quả thiết thực, vì không có sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của chính quyền sở tại.
Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Phan Hồng Thái- Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an Hà Tĩnh cho biết, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường lực lượng, phương tiện, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật giao thông, chở quá tải trọng cho phép.
“Chúng tôi chú trọng phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng yêu cầu các lái xe, chủ doanh nghiệp ký cam kết, chấp hành hạ tải trọng hàng hóa theo đúng quy định. Khi phương tiện vận tải chở đúng tải trọng mới cho phép tiếp tục lưu thông”, Thượng tá Phan Hồng Thái thông tin.
Phương tiện vận tải cỡ lớn, cồng kềnh đi sâu vào nội địa hoặc dừng đỗ, bốc dỡ hàng sai quy định trên tuyến Quốc lộ 8A ở huyện Hương Sơn gây mất trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn. Do vậy, việc kiểm soát tải trọng, nhất là dịp cao điểm cuối năm là hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp vận tải.