Hà Tĩnh: Khởi sắc quê hương Cách mạng Cần Vương

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) là huyện miền núi, biên giới đầu tiên trong cả nước vinh dự đạt chuẩn nông thôn mới.

Truyền thống lịch sử, văn hóa và những thành quả trong phát triển kinh tế- xã hội đang tạo đà cho quê hương Cách mạng Cần Vương vững bước đi lên trên chặng đường mới.
Huyện miền núi, biên giới Vũ Quang cảnh đẹp nên thơ, hùng vĩ
Huyện miền núi, biên giới Vũ Quang cảnh đẹp nên thơ, hùng vĩ

Tự hào vùng quê cách mạng

Núi rừng, sông nước Ngàn Trươi nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt, hào hùng của Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng và nghĩa quân trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19. Dường như, khí thiêng của núi sông và những giá trị của các di tích lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng hào hùng đã hun đúc, nuôi dưỡng nên ý chí, tâm hồn, cốt cách, những nghĩa cử cao đẹp của Nhân dân qua nhiều thế hệ.

Hà Tĩnh: Khởi sắc quê hương Cách mạng Cần Vương - Ảnh 1Hội thảo khoa học “Hào khí Cần Vương- khát vọng Vũ Quang”, chào mừng kỷ niệm 175 năm ngày sinh Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng 06/6/1847- 06/6/2022)

Thời kỳ cách mạng 1930-1931, nơi đây tự hào có Chi bộ Mai Hoa, là một trong những Chi bộ Đảng được thành lập sớm nhất ở Hà Tĩnh. Các bậc tiền bối lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân đã tiếp nối truyền thống và có những đóng góp quan trọng cho đất nước, quê hương qua các thời kỳ.

Trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, người Vũ Quang luôn bền gan, vững chí, không tiếc máu xương, sẵn sàng anh dũng chiến đấu hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là thời kỳ đổi mới, các thế hệ sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này luôn tự hào truyền thống cách mạng vẻ vang, quyết tâm nỗ lực, phấn đấu xây dựng quê hương giàu đẹp.

Tiếp xúc với phóng viên, chị Trần Thị Hạnh ở xã Đức Hương, huyện Vũ Quang vui mừng cho biết: Những năm qua được sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp và những chính sách khuyến khích, hỗ trợ xây dựng mô hình nông thôn mới, gia đình chị đã tập trung phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng, kết hợp chăn nuôi.

Mô hình kinh tế vườn đồi của gia đình chị Trần Thị Hạnh ở xã Đức Hương mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng
Mô hình kinh tế vườn đồi của gia đình chị Trần Thị Hạnh ở xã Đức Hương mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

Nhờ đầu tư đúng hướng, đến nay trên diện tích vườn đồi rộng lớn chị đã quy hoạch trồng được trên 1.500 cây cam chanh, cam bù, bưởi da xanh, bưởi Phúc Trạch. Cùng với trồng cây ăn quả, trồng rừng nguyên liệu, chị còn chăn nuôi hàng trăm con trâu bò, lợn gà, nuôi ong lấy mật…

“Mỗi năm trừ các khoản chi phí mô hình kinh tế vườn đồi đã mang về cho gia đình tôi nguồn thu nhập trên 800 triệu đồng. Từ đó tôi có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều tiện nghi sinh hoạt và chăm lo cho con cái học hành đến nơi, đến chốn. Niềm vui lớn nhất là giờ đâykhu vườn mẫu, mô hình “nhà sạch, vườn đẹp” của gia đìnhthu hút rất nhiều người đến tham quan, trải nghiệm nông thôn mới”. Chị Trần Thị Hạnh vui mừng chia sẻ.

Khởi sắc huyện nông thôn mới

Ông Nguyễn Xuân Thê- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh cho biết: Với sự nỗ lực, quyết tâm cao, cách làm hiệu quả, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và toàn thể Nhân dân, năm 2020 xã Đức Lĩnh vinh dự đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện nay địa phương đang tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Đến thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 45,5 triệu đồng/ năm; 10/10 thôn xóm đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, có 405 vườn mẫu và hàng chục cụm dân cư “sáng- xanh-sạch- đẹp- an toàn”; xã đang tiếp tục xây dựng các cụm dân cư sinh thái, tuyến đường mẫu, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, phục vụ tốt việc đi lại, lao động sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân…Ông Nguyễn Xuân Thê cho biết thêm.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo huyện Vũ Quang chung vui cùng Nhân dân khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thôn Cừa Lĩnh, xã Đức Lĩnh
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, lãnh đạo huyện Vũ Quang chung vui cùng Nhân dân khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thôn Cừa Lĩnh, xã Đức Lĩnh

Sau gần 22 năm xây dựng và phát triển, từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo 54,1% (cao nhất tỉnh Hà Tĩnh), thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt trên 1,7 triệu đồng/năm, thu ngân sách chỉ đạt trên 3,4 tỷ đồng/ năm. Đến nay thu nhập bình quân đầu người ở huyện Vũ Quang đã đạt 45,41triệu đồng/năm, thu ngân sách năm 2021 đạt trên 44 tỷ đồng.

Toàn huyện có gần 3.700 ha cây ăn quả, trong đó diện tích cam khoảng 2.600 ha, sản lượng cam đạt 30.000 tấn/năm; có 56 tổ hợp tác sản xuất cam với diện tích 948 ha đã được cấp giấy chứng nhận VietGap ; 1.200 hộ dân đã thực hiện chuyển đổi số với diện tích 930 ha cam, bước đầu đã đưa sản phẩm cam lên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra huyện có 8 sản phẩm kết nối với tỉnh, 13 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh và 3 sản phẩm đặc trưng riêng của huyện.

Sản phẩm cam Vũ Quang sản xuất theo tiêu chuẩnVietGap nổi tiếng thơm ngon, chất lượng
Sản phẩm cam Vũ Quang sản xuất theo tiêu chuẩnVietGap nổi tiếng thơm ngon, chất lượng

Vũ Quang hiện có 134 mô hình, trong đó có 23 mô hình có tổng giá trị sản xuất từ 1 tỷ đồng/ năm trở lên, 27 mô hình có giá trị sản xuất từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng và rất nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.Toàn huyện có 5 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1.263 vườn mẫu, 65 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên, các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thực sự là những làng quê thanh bình, khởi sắc, miền quê đáng sống.

Cùng với trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi, huyện luôn chú trọng thúc đẩy phong trào trồng rừng nguyên liệu, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là động vật hoang dã thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm. Tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế nuôi trồng thủy sản, đặc biệtlà nuôi cá lồng bè (cá lăng, leo, chép giòn...) trong lòng hồ thủy lợi Ngàn Trươi.

Đột phá về tư duy, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Khắc Bằng- Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết:

Bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vũ Quang lần thứ V, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện xác định 3 mũi đột phá đó là: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái bền vững. Khai thác lợi thế Vườn Quốc gia Vũ Quang-Vườn di sản ASEAN, hồ Ngàn Trươi, huy động tối đa nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch, thương mại, xây dựng thị trấn Vũ Quang theo hướng đô thị sinh thái. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới…

Ông Bùi Khắc Bằng - Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang phát biểu tại Hội thảo khoa học “Hào khí Cần Vương- khát vọng Vũ Quang”
Ông Bùi Khắc Bằng - Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang phát biểu tại Hội thảo khoa học “Hào khí Cần Vương- khát vọng Vũ Quang”

Theo ông Bùi Khắc Bằng, với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngay từ đầu nhiệm kỳ, huyện Vũ Quang đã đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng lợi thế về nông nghiệp, văn hóa và môi trường sinh thái. Đặc biệt, tập trung phát triển du lịch nhà vườn, nông sản đặc trưng, thực hiện phát triển sản xuất theo hướng xanh, sạch, thân thiện môi trường.

Để tạo nên bước đột phá trong phát triển, huyện đã chủ động báo cáo, đề xuất và cùng với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh làm việc với các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn TH, Tập đoàn Ecopark, Tập đoàn Quế Lâm, Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam…để khảo sát, xây dựng quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển du lịch, đô thị, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ Ngàn Trươi…

Ông Bùi Khắc Bằng cho biết thêm: Trước những ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh Covid19, nhưng Vũ Quang đã linh hoạt thích ứng, kiểm soát tốt dịch bệnh để phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới đảm bảo bền vững, thực chất; chú trọng triển khai thực hiện bộ tiêu chí nhà vườn sinh thái, cụm dân cư sinh thái, làng sinh thái. Phấn đấu đến năm 2025 Vũ Quang trở thành huyện có thu nhập bình quân đầu người vào tốp cao của tỉnh và đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.

Vũ Quang chú trọng thực hiện bộ tiêu chí nhà vườn sinh thái, cụm dân cư sinh thái
Vũ Quang chú trọng thực hiện bộ tiêu chí nhà vườn sinh thái, cụm dân cư sinh thái

Năm 2021, đánh dấu bước tiến mới trong sản xuất nông nghiệp khi sản phẩm cam Vũ Quang đã mang về nguồn thugần 600 tỷ đồng. Vũ Quang cũng là địa phương đầu tiên trong tỉnh ký kết triển khai sản xuất hữu cơ với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm trên lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt,tạo nên luồng gió mới trong sản xuất nông nghiệp sạch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và chất lượng cuộc sống Nhân dân. Tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, chăm lo phát triển văn hóa- xã hội, thực hiện tốt các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”, cácchính sách đối với người có công, góp phần đảm bảo an sinh xã hội…Ông Bùi Khắc Bằng chia sẻ.

Lễ khánh thành cầu Cửa Rào bắc qua sông Ngàn Trươi tạo thuận lợi cho Nhân dân trong đi lại, lao động, sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội
Lễ khánh thành cầu Cửa Rào bắc qua sông Ngàn Trươi tạo thuận lợi cho Nhân dân trong đi lại, lao động, sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội

Về huyện miền núi, biên giới Vũ Quang hôm nay mọi người đều cảm nhận sự đổi thay nhanh chóng, vượt bậc, toàn diện về mọi mặt. Phố núi hùng vĩ, nên thơ, vườn đồi ngập tràn cây trái, Nhân dân phấn khởi, tự hào thụ hưởng thành quả lao động, sản xuất. Với những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược và chương trình hành động cụ thể, khoa học, đặc biệt là truyền thống đoàn kết, gắn bó trong toàn Đảng bộ và Nhân dân là yếu tố quan trọng để huyện nông thôn mới Vũ Quang tiếp tục phát triển, vươn lên tầm cao mới.