Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Tĩnh: Kinh tế xã hội ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, bão lũ

Thế An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (6/12), HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII khai mạc Kỳ họp thứ 18. Đây là kỳ họp thường kỳ cuối cùng của nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa XVII (2016 - 2021).

 Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII khai mạc sáng 6/12
Trong điều kiện khó khăn chung, tỉnh Hà Tĩnh phải gánh chịu hậu quả do lũ lụt và dịch bệnh Covid-19 trong sản xuất, nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cũng như đời sống nhân dân.
Theo báo cáo, tỉnh Hà Tĩnh còn 6/15 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra, tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2020 chỉ đạt 0,53% thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay. Thu xuất nhập khẩu giảm mạnh, tổng thu ngân sách không đạt kế hoạch và giảm so với năm 2019. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp, đặc biệt là huy động vốn FDI chỉ 30,5% kế hoạch, làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và một số chỉ tiêu quan trọng khác.
Tổng thu ngân sách đến 11 tháng trên địa bàn (bao gồm thu nội địa và thu thuế xuất, nhập khẩu) đạt 11.074 tỷ đồng, bằng 87% dự toán trung ương giao và bằng 79% dự toán tỉnh giao; ước thực hiện thu ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh cả năm 2020 đạt 12.252 tỷ đồng, bằng 97% dự toán trung ương giao và bằng 87% dự toán tỉnh giao.
Sản xuất, kinh doanh bị đình trệ do dịch bệnh, trong đó lĩnh vực dịch vụ, vận tải, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy, sản lượng một số sản phẩm công nghiệp giảm mạnh, một số dự án triển khai cầm chừng do phải chờ thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài nên tiến độ chậm so với kế hoạch đề ra. Hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, giao thông vận tải, kho bãi cũng chịu ảnh hưởng lớn do tổng cầu giảm.
 Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn phát biểu tại Kỳ họp thứ 18
Đối với công tác xây dựng nông thôn mới (NTM), dự kiến năm 2020 có 15 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 218 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn kiểu mẫu, 1.800 vườn mẫu đạt chuẩn và ít nhất 55 sản phẩm OCOP đạt chuẩn, 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 2 huyện (Cẩm Xuyên, Lộc Hà) có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Về thực hiện vốn đầu tư công, tổng giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đến ngày 30/11/2020 đạt 6.606 tỷ đồng, bằng 74,8% kế hoạch, tăng 26,3% so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước ước đạt 71,4% kế hoạch)
Trước những ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt, tỉnh đã trích 57 tỷ đồng từ Quỹ cứu trợ tỉnh để hỗ trợ cấp bách; kịp thời phân bổ và chuyển 1.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia, 14,5 tấn lương khô; 13.940kg hạt giống ngô, rau các loại, 220.000 con giống gia cầm cho các địa phương vùng lũ; tiếp nhận và phân bổ hơn 6 nghìn xuồng, bè, phao, nhà bạt cứu sinh, 03 máy bơm công suất cao, 40 máy phát điện cho các địa phương, đơn vị.
Bên cạnh những yếu tố bất lợi về thiên tai, dịch bệnh, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, tỉnh Hà Tĩnh cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan như: Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và xử lý các khó khăn vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư và thu hút đầu tư còn chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án, tiến độ giải ngân và tốc độ tăng trưởng kinh tế; công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu một số địa phương, đơn vị chưa cao, sự phối kết hợp giữa các cấp, ngành và địa phương còn hạn chế; chưa bám sát cơ sở; chưa chủ động tham mưu; còn đùn đẩy, né tránh nhiệm vụ, trách nhiệm; chỉ đạo xử lý một số công việc thiếu quyết tâm; kỷ luật kỷ cương hành chính chưa nghiêm.
Trước diễn biến của dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp và có thể bùng phát trở lại, mục tiêu trong năm 2021, Hà Tĩnh tiếp tục chủ động, linh hoạt thực hiện mục tiêu kép, phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục phát triển kinh tế phù hợp với tình hình mới.