Bước vào mùa nắng nóng, ông Nguyễn Văn Hà ở xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang thường xuyên vào rừng để theo dõi, kiểm tra và chủ động thực hiện các phương án phòng chống cháy.
Với gần 10 ha keo tràm sắp đến kỳ thu hoạch. Đây là tài sản lớn của gia đình nên ôn Hà đã tập trung phát dọn thực bì, tạo ra những đường băng cản lửa nhằm kiểm soát, phòng ngừa nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra.
“Trong mùa nắng nóng, tuyệt đối không mang lửa vào rừng, không đốt ong lấy mật. Rừng keo tràm sát với khu dân cư, nên tôi thường xuyên tuyên truyền gia đình và người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống cháy. Vì nếu để xảy ra cháy rừng, thiệt hại về kinh tế và môi sinh, môi trường là rất lớn” - ông Nguyễn Văn Hà chia sẻ.
Ngoài những diện tích rừng trồng của người dân trực tiếp chăm sóc, bảo vệ, hiện nay công tác phòng, chống cháy rừng tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đang được các chủ rừng triển khai quyết liệt, đồng bộ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra.
Trao đổi với phóng viên, Phó Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh Nguyễn Hải Vân cho biết, đơn vị hiện quản lý gần 9.700 ha rừng và đất lâm nghiệp. Đặc thù của rừng chủ yếu cây thông nhựa, là loài cây dễ cháy lại rụng lá vào mùa hè. Địa bàn quản lý rộng, trong rừng lại có nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, lượng người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái rất đông.
"Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, đơn vị đã xây dựng phương án bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Chủ động phối hợp với chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng triển khai các phương án phòng, chống cháy. Trong đó, chú trọng tu bổ, nâng cấp các chòi canh lửa, biển tường, biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng; xây dựng kế hoạch tuần tra, trực gác 24/24h nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống", ông Nguyễn Hải Vân cho biết thêm.
Hà Tĩnh hiện có gần 360.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có khoảng 120.000 ha rừng (thông, keo, bạch đàn tái sinh) dễ cháy. Năm 2020 toàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy gây thiệt hại 56 ha rừng; năm 2021 xảy ra 29 điểm phát lửa, trong đó có 4 điểm gây cháy rừng, diện tích rừng bị cháy không có khả năng phục hồi là 3 ha.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, bước vào mùa nắng nóng năm nay, tỉnh Hà Tĩnh đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp, phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể cho các thành viên; xây dựng phương án, kịch bản phòng, chống cháy, chủ động thành lập các tổ, đội xung kích chữa cháy rừng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho biết: Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng đang được huyện tập trung cao độ. Bên cạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho Nhân dân, xây dựng các công trình phòng chống cháy, chủ động lực lượng, phương tiện theo phương án 4 tại chỗ, huyện chú trọng kiểm tra, kiểm soát người vào rừng, nhất là khai thác lâm sản ngoài gỗ, lấy mật ong...
Cháy rừng gây thiệt hại lớn về kinh tế, môi sinh môi trường, làm giảm độ che phủ của rừng và trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của Nhân dân. Nắng nóng kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng luôn tiềm ẩn. Vì vậy, việc phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hiệu quả các điểm phát lửa, không để xảy ra cháy rừng trên diện rộng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, đặc biệt trong thời kỳ nắng nóng cao điểm.
Ông Phan Thanh Tùng- Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: Lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng và chính quyền các cấp đang tập trung cao cho công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm cho Nhân dân về công tác phòng, chống cháy. Kịp thời rà soát, tu bổ, xây dựng mới các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng, mua sắm phương tiện máy móc, thiết bị chữa cháy.
"Xây dựng kế hoạch lập chốt trực gác nhằm hạn chế người ra vào những khu vực rừng trọng điểm, dễ cháy. Kiểm soát chặt chẽ việc xử lý thực bì bằng lửa khi người dân trồng rừng. Duy trì bố trí lực lượng trực gác tại các chòi canh lửa và hệ thống camera 3600 giám sát, phát hiện sớm các điểm cháy rừng, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện dập tắt đám cháy, giảm thiểu tối đa thiệt hại nếu có cháy rừng xảy ra", ông Phan Thanh Tùng cho biết thêm.
Nền nhiệt tăng cao, gió Tây Nam thổi mạnh, người vào rừng chỉ cần một sơ suất nhỏ khi dùng lửa sẽ xảy ra cháy rừng khó kiểm soát. Chủ động phương án 4 tại chỗ, phát huy trách nhiệm, ý thức của cộng đồng dân cư là yếu tố quan trọng để tỉnh Hà Tĩnh thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng.