Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Tĩnh: Lập chốt kiểm soát người vào rừng

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thời gian này ở Hà Tĩnh nhiệt độ tăng cao, gió Tây Nam thổi mạnh, nguy cơ cháy rừng luôn tiềm ẩn. Trước tình hình đó, các địa phương và lực lượng chức năng đã phối hợp lập chốt kiểm soát người vào rừng.

Hà Tĩnh có khoảng 120.000 ha rừng (thông, keo, bạch đàn tái sinh) dễ cháy
Hà Tĩnh có khoảng 120.000 ha rừng (thông, keo, bạch đàn tái sinh) dễ cháy

Những ngày hè nóng bức, đường vào hồ Suối Tiên ở phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh thường có nhiều du khách đến tham quan, ngắm cảnh. Để phòng ngừa nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra, chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đã phối hợp lập chốt kiểm soát, ngăn cấm những người không phận sự không được vào rừng.

Chốt kiểm soát ngăn chặn người vào rừng ở  hồ Suối Tiên, thị xã Hồng Lĩnh
Chốt kiểm soát ngăn chặn người vào rừng ở  hồ Suối Tiên, thị xã Hồng Lĩnh

Qua tìm hiểu, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh hiện đang quản lý gần 10.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, thuộc thị xã Hồng Lĩnh và các huyện Can Lộc, Lộc Hà,  Nghi Xuân. Đặc thù địa bàn rộng, rừng chủ yếu là cây thông nhựa và một số diện tích bạch đàn, keo tràm dễ cháy. Trong rừng có nhiều di tích như: chùa Hương Tích, chùa Hang, chùa Thiên Tượng, chùa Long Đàm... Hằng ngày, người dân, du khách đến thắp hương, vãn cảnh chùa rất đông, nguy cơ xảy ra cháy rừng do sử dụng lửa, thắp hương cũng luôn tiềm ẩn.

Các chủ rừng tăng cường đóng mới các biển cảnh báo cháy rừng tại những khu vực rừng trọng điểm dễ cháy.
Các chủ rừng tăng cường đóng mới các biển cảnh báo cháy rừng tại những khu vực rừng trọng điểm dễ cháy.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hải Vân- Phó Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho biết: Những ngày cao điểm nắng nóng, việc duy trì lập chốt kiểm soát ngăn chặn người ra vào rừng là hết sức cần thiết. Lực lượng của đơn vị chủ yếu chỉ đủ để trực gác ở các chòi canh lửa, do vậy, sự phối hợp hỗ trợ của chính quyền các cấp và lực lượng kiểm lâm sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Anh Võ Tá Luật (ở phường Bắc Hồng) cho biết: "Là lực lượng dân quân tự vệ, sau khi được chính quyền điều động trực chốt kiểm soát, chúng tôi luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm, duy trì phối hợp trực gác 24/24h trong ngày. Việc ghi chép sổ theo dõi người vào rừng, ngăn cấm những người không phận sự vào rừng đều được thực hiện đầy đủ, đúng quy định."

Hà Tĩnh hiện có gần 360.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó có khoảng 120.000 ha rừng (thông, keo, bạch đàn tái sinh) dễ cháy. Để công tác phòng, chống cháy rừng được thực hiện kịp thời, hiệu quả, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho Nhân dân, thời gian này, khu vực lâm phận của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh đã lập trên 20 chốt kiểm soát ngăn chặn người vào rừng. Ngoài ra, tại những khu vực rừng trọng điểm, dễ cháy ở các huyện, thị xã trong tỉnh việc kiểm soát người ra vào rừng cũng được lực lượng kiểm lâm và các bên liên quan thực hiện nghiêm ngặt.

Tại những khu vực rừng trọng điểm, dễ cháy, việc kiểm soát người vào rừng được thực hiện nghiêm ngặt.
Tại những khu vực rừng trọng điểm, dễ cháy, việc kiểm soát người vào rừng được thực hiện nghiêm ngặt.

Ông Phan Thanh Tùng - Trưởng phòng Bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho biết: Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, lực lượng kiểm lâm và các chủ rừng đang duy trì trực gác 24/24h suốt thời gian cao điểm nắng nóng; chủ động tuần tra, chốt chặn, kiểm soát người ra, vào các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy; thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, dự báo, cảnh báo cấp dự báo cháy rừng; thực hiện tốt phương án “4 tại chỗ”, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời nếu có cháy rừng xảy ra.

Thời kỳ cao điểm nắng nóng, người vào rừng chỉ cần một sơ suất nhỏ khi sử dụng lửa là có thể xảy ra cháy rừng trên diện rộng, khó kiểm soát. Vì vậy, cùng với quán triệt, thực hiện nghiêm các phương án phòng, chống cháy, việc lập chốt kiểm soát người ra vào rừng ở Hà Tĩnh sẽ góp phần quan trọng nhằm hạn chế nguy cơ cháy rừng.