Hà Tĩnh: Nghịch lý tỉa thưa rừng phòng hộ giữa cao điểm nắng nóng
Video: Rừng thông phòng hộ Hồng Lĩnh bị chặt hạ, tỉa thưa trong mùa cao điểm nắng nóng
Dọc đường vào rừng phòng hộ Hồng Lĩnh (nơi giáp ranh giữa phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh và xã Xuân Lĩnh, huyện Nghi Xuân) có nhiều đám cây thông nhựa thuần loài bị chặt hạ, tỉa thưa. Những cây thông cổ thụ chỉ còn trơ lại gốc với đường kính khoảng hơn 30cm, dấu cưa rất mới.
Thâm nhập sâu vào rừng (khu vực khe Ba Sẵn Sàng), số lượng cây thông bị chặt hạ, tỉa thưa càng nhiều hơn. Tại hiện trường, hàng loạt gốc thông chảy nhựa tươi, cành lá vứt ngổn ngang, thân gỗ còn lại rất ít vì phần lớn đã được đưa ra khỏi rừng.


“Dịp cao điểm nắng nóng tháng 7, người dân vào rừng bị nghiêm cấm, kiểm soát chặt chẽ. Vậy nhưng, hằng ngày vẫn thấy nhiều xe tải chở gỗ thông từ rừng phòng hộ đi ra. Việc khai thác gỗ thông đúng hay sai thì chúng tôi không nắm rõ, nhưng đã có người vào rừng thì nguy cơ xảy ra cháy rừng sẽ rất cao”, ông Nguyễn Văn T ở xã Xuân Lĩnh cho biết.
Tỉnh Hà Tĩnh từng trải qua đợt cao điểm nắng nóng gay gắt và có nơi đặc biệt gay gắt, nhiệt độ trên 39 độ C. Tại một số địa phương như: Lộc Hà, Can Lộc, Hương Khê, Hương Sơn…đã xảy ra cháy rừng, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường.

Mặc dù vào mùa nắng nóng, tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, các chủ rừng và chính quyền các cấp thực hiện nghiêm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; nghiêm cấm tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vui chơi giải trí…ở khu vực trong rừng và ven rừng. Tuy nhiên, nghịch lý là việc khai thác, tỉa thưa rừng phòng hộ Hồng Lĩnh vẫn diễn ra gây xôn xao dư luận.


Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Phó Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh Nguyễn Hải Vân cho biết, đơn vị đã có hồ sơ thiết kế tỉa thưa rừng thông nhựa năm 2023. Diện tích tỉa thưa là 113,20ha, tổng khối lượng dự kiến khoảng 331,8m3 gỗ, thời gian thực hiện từ tháng 1 đến hết tháng 4 năm 2023.
“Khai thác, chặt tỉa thưa rừng thông tại rừng phòng hộ Hồng Lĩnh diễn ra trong đợt cao điểm nắng nóng. Nguyên nhân là do địa hình rừng núi phức tạp, việc huy động lực lượng chặt cây, bốc dỡ, vận chuyển gỗ gặp nhiều khó khăn. Do vậy, thời gian tỉa thưa rừng đã bị kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu”, ông Nguyễn Hải Vân lý giải.

Dù nguyên nhân khách quan, hay chủ quan thì rõ ràng việc khai thác, chặt tỉa thưa rừng thông phòng hộ trong suốt thời kỳ cao điểm nắng nóng là không phù hợp. Bởi trong hồ sơ thiết kế chủ rừng nêu rõ, nếu nắng nóng kéo dài thì sẽ tạm dừng việc tỉa thưa. Tuy nhiên, hiện trường cho thấy việc tỉa thưa lại được thực hiện trái ngược, diễn ra ngay trong thời kỳ cao điểm nắng nóng gay gắt nhất.
“Lập hồ sơ thiết kế tỉa thưa rừng thông nhựa do chủ rừng thực hiện, trong đó nêu rõ địa danh, diện tích, khối lượng lâm sản, thời gian thực hiện…Ngành kiểm lâm có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, theo dõi quá trình thực hiện. Theo tôi, tỉa thưa rừng thông trong đợt cao điểm nắng nóng là không phù hợp, cần phải tạm dừng ngay để phòng ngừa nguy cơ xảy ra cháy rừng. Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh vấn đề này cụ thể”, ông Trần Thanh Tường- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân cho biết.

Rừng cây thông nhựa thuần loài luôn được xác định là rừng trọng điểm, dễ cháy. Vào mùa nắng nóng, nếu không kiểm soát chặt chẽ người vào rừng và chỉ cần một sơ suất nhỏ là rất dễ xảy ra cháy rừng khó kiểm soát. Do vậy, việc khai thác, tỉa thưa rừng thông phòng hộ Hồng Lĩnh cần được các cấp có thẩm quyền ở tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời, phòng ngừa nguy cơ cháy rừng hoặc gây thiệt hại về rừng có thể xảy ra.

Hà Tĩnh: Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng
Kinhtedothi - Tỉnh Hà Tĩnh đang trải qua đợt cao điểm nắng nóng gay gắt, nhiệt độ phổ biến từ 37-38 độ C, có nơi trên 39 độ C. Trước tình hình đó, lực lượng kiểm lâm và các địa phương, đơn vị chủ rừng đang tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Hà Tĩnh: Xử lý 104 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp
Kinhtedothi - Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng phát hiện, xử lý 104 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Hà Tĩnh: Cây chè “chết khô” do hạn hán
Kinhtedothi - Nắng nóng gay gắt, kéo dài khiến nhiều diện tích chè nơi “chảo lửa” huyện Hương Khê bị cháy lá và có dấu hiệu bị chết khô. Công tác chống hạn “cứu chè” đang được doanh nghiệp và người trồng chè liên kết tập trung cao độ.