Dự án Trụ sở làm việc Trạm kiểm dịch động vật nội địa ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 4645 ngày 3/12/ 2015.
Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư và thực hiện công tác lập hồ sơ thiết kế, trình thẩm định phê duyệt. Đến ngày 30/10/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 3269, chuyển chủ đầu tư về Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh.
Quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công và các bên liên quan đã tập trung huy động nguồn lực xây dựng những hạng mục công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng, đúng trình tự, quy định hiện hành.
Dự án thi công hoàn thành, đã được Sở Xây dựng Hà Tĩnh chấp thuận nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng tại Văn bản số 2866 ngày 20/9/2021.
Tại buổi làm việc với phóng viên, ông Trần Hùng-Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết: Phía đơn vị sử dụng chưa đồng ý tiếp nhận dự án. Vì hiện tại, đường vào trụ sở Trạm kiểm dịch phải đi chung với đường của Công ty Hoành Sơn, không thuận tiện cho hoạt động chuyên môn đặc thù. “Nếu chúng tôi tiếp nhận thì các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động không có đường để đi vào, đi ra, không đúng với mục tiêu đầu tư dự án” - ông Trần Hùng lý giải.
Mặc dù Trạm kiểm dịch động vật nội địa ở tỉnh Hà Tĩnh đã được đầu tư xây mới khang trang, nhưng hiện nay, các kiểm dịch viên của ngành thú y vẫn phải ở nhà thuê tạm bợ tại phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh để làm việc.
Do không có các khu chức năng đặc thù nên việc dừng đỗ phương tiện chở động vật, sản phẩm động vật để kiểm tra giấy chứng nhận kiểm dịch, phun tiêu độc khử trùng phải thực hiện ngay trên Quốc lộ 1A. Nước thải, chất phóng uế từ gia súc, gia cầm và hóa chất tiêu độc khử trùng vương vãi khắp nơi. Điều này vừa gây mất an toàn giao thông vừa ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến người và phương tiện qua lại.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Tá Đại, cán bộ kỹ thuật Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: Hiện nay, các hạng mục công trình đã xây dựng hoàn thành theo đúng hồ sơ thiết kế. Nhưng khi bàn giao, phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh đề xuất phải hoàn thành đấu nối với Quốc lộ 1A mới đồng ý tiếp nhận. Tuy nhiên, vị trí xây dựng trạm lại không có quy hoạch đấu nối với Quốc lộ 1A.
Phóng viên đặt câu hỏi, tại sao khi xây dựng dự án chủ đầu tư và các bên liên quan lại không khảo sát, tính toán đến vấn đề quy hoạch, đấu nối với Quốc lộ 1A?. Ông Võ Tá Đại thông tin: Trong quy hoạch có đường gom cho khu dịch vụ, nhưng hiện nay chưa có đường gom vì khu dịch vụ chưa hình thành. Phía chủ đầu tư đã có văn bản trình UBND tỉnh để bàn giao đưa dự án vào sử dụng, đồng thời đề xuất chủ trương triển khai quy hoạch chi tiết, đầu tư xây dựng đường gom.
Qua tìm hiểu của phóng viên, để đấu nối đường từ Quốc lộ 1A vào Trụ sở làm việc Trạm kiểm dịch động vật nội địa ở phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh rất khó khăn, phức tạp. Mặc dù UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp kiểm tra, rà soát điều kiện về thủ tục đấu nối, những căn cứ quy hoạch, nhưng việc đấu nối đến nay vẫn chưa thể thực hiện.
Tại Văn bản số 54, ngày 8/4/2022 của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh trình lên UBND tỉnh Hà Tĩnh về dự án này, cho thấy: Theo quy hoạch phân khu phường Đậu Liêu được duyệt từ năm 2014, vị trí xây dựng Trạm kiểm dịch động vật không có đường gom, nằm trong thửa đất CC3.12 và được quy hoạch thuộc khu dịch vụ thương mại.
Tại Văn bản số 9709 ngày 28/9/2020 của Bộ Giao thông Vận tải phạm vi từ Km487+590 đến Km487+660 (trái tuyến) không có quy hoạch đấu nối trực tiếp vào Quốc lộ 1A. Vị trí gần nhất có quy hoạch đấu nối, cách Trạm kiểm dịch khoảng 150m.
Do vậy, để đầu tư xây dựng đường gom phải hình thành được quy hoạch tổ hợp đầu tư trong phân khu mới phù hợp quy mô, đảm bảo sự phát triển đồng bộ cho khu dịch vụ thương mại. Tuy nhiên, do thời gian, lộ trình còn kéo dài, hiện nay lại chưa có quy hoạch đầu tư phân khu cụ thể nên việc triển khai thi công đường gom chưa có cơ sở để thực hiện.
Dự án Trạm kiểm dịch động vật nội địa ở tỉnh Hà Tĩnh có ý nghĩa quan trọng trong đảm bảo cơ sở vật chất, các điều kiện làm việc đặc thù của ngành thú y.
Vậy nhưng do không khảo sát, tính toán kỹ lưỡng nên khi dự án xây dựng hoàn thành lại chưa thể nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng vì chưa có đường ra vào.
Những tồn tại, bất cập này đã kéo theo nhiều hệ lụy phát sinh. Trước hết, đó là ngành thú y Hà Tĩnh chưa có địa điểm làm việc đảm bảo các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật qua lại trên địa bàn.
Các hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán theo quy định sẽ gặp khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt hơn là công trình chưa biết đến khi nào mới có thể phát huy hiệu quả như mục tiêu đầu tư dự án?