Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Tĩnh: ngư dân vươn khơi sau giông bão

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau những ngày giông bão, ngư dân vùng ven biển tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục vươn khơi đánh bắt hải sản.

Tàu thuyền ở Cảng cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà vươn khơi sau giông bão
Tàu thuyền ở Cảng cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà vươn khơi sau giông bão

Thời gian này, hàng trăm tàu thuyền neo đậu, tránh trú bão tại Cảng cá Cửa Sót, huyện Lộc Hà tiếp tục vươn khơi đáng bắt hải sản. Để phục vụ cho chuyến đi biển dài ngày, chủ tàu và các thuyền viên đều chuẩn bị chu đáo lương thực, thực phẩm, xăng dầu, đá lạnh cùng những vật dụng thiết yếu khác.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Sót tích cực hỗ trợ, động viên ngư dân vươn khơi bám biển
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Sót tích cực hỗ trợ, động viên ngư dân vươn khơi bám biển

“Mùa mưa bão, việc đánh bắt hải sản trên biển không được duy trì đều đặn như những ngày thường. Do vậy, sau thời gian tránh trú bão, thời tiết ổn định chúng tôi lại tiếp tục vươn khơi, hy vọng chuyến đi biển sẽ thuận lợi, an toàn, mang về thu nhập cao”, ngư dân Trần Công Quang ở thị trấn Lộc Hà chia sẻ.

Mùa này trên biển thường xuất hiện giông lốc, nhưng lại là thời điểm nguồn lợi thủy sản dồi dào. Dịp trước và sau giông bão, sản lượng đánh bắt (nghề câu, lưới rê, lưới vây.. ) đạt cao hơn so với ngày thường. Có những lúc trúng luồng cá tôm và các loài nhuyễn thể thì chỉ sau vài ngày đi biển, trừ các khoản chi phí, mỗi ngư dân có thể bỏ túi hàng triệu đồng, thậm chí nhiều hơn.

Niềm vui của ngư dân sau những chuyến đi biển trúng luồng cá, sản lượng đánh bắt đạt cao
Niềm vui của ngư dân sau những chuyến đi biển trúng luồng cá, sản lượng đánh bắt đạt cao

“Toàn xã hiện có hơn 200 tàu thuyền với khoảng 750 lao động làm nghề đi biển, chủ yếu khai thác, đánh bắt ở vùng lộng. Mùa mưa bão, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền ngư dân theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động các phương án phòng tránh bão, giông lốc, đảm bảo an toàn. Qua theo dõi, sau mưa bão hầu hết các tàu thuyền đều đã ra biển, sản lượng đánh bắt đạt cao”, ông Nguyễn Văn Hùng- Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên thông tin.

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 3.000 tàu thuyền đánh bắt hải sản ở nhiều vùng biển khác nhau. Ngư trường rộng lớn, nguồn lợi thủy sản dồi dào là điều kiện thuận lợi để ngư dân khai thác, đánh bắt, ổn định sinh kế lâu dài. Nghề đi biển cũng đã góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngư trường rộng lớn, nguồn lợi hải sản dồi dào, tạo thuận lợi cho ngư dân vươn khơi đánh bắt
Ngư trường rộng lớn, nguồn lợi hải sản dồi dào, tạo thuận lợi cho ngư dân vươn khơi đánh bắt

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Hồ Văn Hạ- Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa Sót cho biết, đơn vị luôn đồng hành, tạo mọi thuận lợi cho ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản. Mùa mưa bão chú trọng tuyên truyền, cảnh báo ngư dân theo dõi diễn biến thời tiết, đồng thời nắm bắt lịch trình di chuyển của tàu thuyền, duy trì thông tin liên lạc để sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu khi cần thiết.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh chủ động nắm bắt lịch trình di chuyển của tàu thuyền, duy trì thông tin liên lạc để sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu khi cần thiết
Lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh chủ động nắm bắt lịch trình di chuyển của tàu thuyền, duy trì thông tin liên lạc để sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu khi cần thiết

Nghề đi biển sớm tối lênh đênh cùng sóng nước. Những lúc biển lặng, sóng êm, tôm cá đầy ắp khoang thuyền đã mang đến nhiều niềm vui cho ngư dân. Vậy nhưng, cũng có khi biển khơi dậy sóng, ngư dân phải đương đầu với những gian khó, hiểm nguy. Song, với họ vốn “sinh nghề, tử nghiệp”, sau giông bão lại tiếp tục hồ hởi giong thuyền vượt sóng vươn khơi, mang về nguồn lợi thủy hải sản dồi dào cho đất nước.