Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Tĩnh: Người dân giữa “Ốc đảo” Hồng Lam, rộn ràng vào mùa thu hoạch cói

Thanh Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dưới cái nắng gay gắt của mùa hè, hàng trăm người dân thôn Hồng Lam (xã Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) tất bật lội bùn thu hoạch Cói. Dù vất vả nhưng khuôn mặt ai nấy cũng tươi cười vì cói năm nay được mùa bội thu.

Nằm gọn giữa dòng sông Lam - Thôn Hồng Lam bốn bề bao quanh là nước. Người dân nơi đây chỉ biết sống dựa vào hai loại cây trồng chính là cây lạc và cói. Trước đây cả thôn có 250 hộ nhưng hiện tại chỉ còn 180 hộ bám trụ lại ''ốc đảo'' này.
Cói là loại thực vật phát triển tốt tại các vùng đất phù sa ven biển hay vùng nước lợ, thân dài từ 1 - 2,5m, hình cây lao. Ở nước ta có 2 loại cói chủ yếu được trồng là cói bông trắng và cói bông nâu.
Người dân thôn Hồng Lam thường thu hoạch cói từ tháng 6, đến tháng 8 (âm lịch). Sau khi cắt gốc, người dân không cần phải trồng thêm cây mới mà chỉ cần bón phân, cây cói sẽ tự tươi tốt lại.
Cắt cói xong, người dân sẽ giũ cho sạch cỏ rác và tách những loại cây khác ra, sau đó gém lại thành từng bó. Cói được mang từ ruộng lên chuẩn bị cho khâu chẻ cói. Toàn bộ quá trình thu hoạch cói đều phải làm thủ công với các dụng cụ thô sơ.
 ''Trung bình mỗi hộ dân ở đây trồng từ 6 - 10 sào cói (500 mét vuông/sào), sau mỗi vụ cói cho chúng tôi kiếm từ 30 - 35 triệu đồng. Mùa này thời tiết ở đây rất nắng nóng nên người dân phải thức dậy từ 4 giờ sáng để ra đồng cắt cây, năm nay nhà tôi thu hoạch được khoảng 5 tấn cói'' - ông Nguyễn Văn Phong (54 tuổi, thôn Hồng Lam) chia sẻ.
Người dân tươi cười khi cói năm nay tươi tốt hơn mọi năm, thời tiết cũng thuận lợi cho việc thu hoạch.
Ông Nguyễn Thế Lục - trưởng thôn Hồng Lam cho biết: ''Trồng cói là nghề mang lại thu nhập chính cho 130/180 hộ dân trong thôn. Diện tích trồng cói hiện tại còn 50ha, sau khi thu hoạch và phơi khô thương lái sẽ thu mua từ 8.000 - 9.000 đồng/kg rồi xuất bán ra tỉnh Thanh Hóa để dệt chiếu, đan thảm và các vật dụng khác''.
 Việc chẻ cói diễn ra ngay trên đồng, công việc chẻ cói phải cần người khỏe mạnh, kéo cói phải thẳng để không bị mất gốc hay ngọn. Máy chẻ cói có cấu tạo là 2 khối gỗ hình tròn (thường được làm bằng gỗ Lim) và lưỡi dao ở giữa.
Cói sau khi chẻ xong thường được phơi từ 2-3 nắng, đến khi khô thì bó lại mang về nhà chờ thương lái đến mua.
Cây cói như một món quà mà thiên nhiên ban tặng cho người dân ở ''ốc đảo'' Hồng Lam.