Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Tĩnh: Những nghề kinh doanh làm “xấu mặt” đô thị

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực, quyết tâm xây dựng các khu đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường. Vậy nhưng, điều nghịch lý, tại tỉnh Hà Tĩnh đang có những nghề kinh doanh làm “xấu mặt” đô thị.

Các cơ sở kinh doanh ô tô cũ trong khu vực đô thị ở Hà Tĩnh luôn nhếch nhác, bừa bộn
Các cơ sở kinh doanh ô tô cũ trong khu vực đô thị ở Hà Tĩnh luôn nhếch nhác, bừa bộn

Nhếch nhác, bừa bộn

Nghề kinh doanh ô tô và phụ tùng ô tô đã qua sử dụng phát triển khá rầm rộ ở tỉnh Hà Tĩnh, trong đó, nhiều nhất là tại thị xã Hồng Lĩnh, huyện Thạch Hà và thị xã Kỳ Anh. Điểm chung của các cơ sở kinh doanh là có rất nhiều xe ô tô hư hỏng, hết niên hạn lưu hành đã được tháo rời thành thùng, thiết bị máy móc để bán.

Khung vỏ xe ô tô cồng kềnh, hoen gỉ tập kết dài ngày lấn chiếm hành lang, vỉa hè người đi bộ...
Khung vỏ xe ô tô cồng kềnh, hoen gỉ tập kết dài ngày lấn chiếm hành lang, vỉa hè người đi bộ...
...và vứt ngổn ngang ở bãi đất trống.
...và vứt ngổn ngang ở bãi đất trống.

Quỹ đất chật hẹp, hầu hết cơ sở kinh doanh đều lấn chiếm vỉa hè hành lang giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và không bảo đảm môi trường. Sau khi tháo rời xe ô tô, một số thiết bị máy móc, sắt thép được tái chế sử dụng vào những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, có rất nhiều khung vỏ cồng kềnh, hoen gỉ nằm ngổn ngang bừa bộn, dầu nhớt dư thừa chảy lênh láng khắp nơi.

Dầu nhớt ô tô cũ dư thừa gây hôi hám, mất mỹ quan trong khu vực đô thị ở thị xã Hồng Lĩnh.
Dầu nhớt ô tô cũ dư thừa gây hôi hám, mất mỹ quan trong khu vực đô thị ở thị xã Hồng Lĩnh.

“Sống cạnh các cơ sở kinh doanh ô tô cũ suốt ngày đêm như bị tra tấn, bởi tiếng ồn máy cắt kim loại, máy hàn xì, bụi bặm, mùi hôi dầu nhớt. Nếu các cơ sở kinh doanh ô tô cũ không di dời sẽ rất mất mỹ quan đô thị, an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt cả trước mắt lẫn lâu dài” - nhiều người dân sống ven đường Nguyễn Ái Quốc ở thị xã Hồng Lĩnh bức xúc cho biết.

Không riêng gì nghề kinh doanh ô tô và phụ tùng ô tô cũ, hiện nay nghề kinh doanh phế liệu phát triển ở nhiều nơi trong khu vực đô thị TP Hà Tĩnh và tại các thị xã, thị trấn. Các cơ sở kinh doanh này thường tận dụng khoảng đất trống ven đường, thậm chí, ngay trên vỉa hè để tập kết phế liệu, gây nên sự nhếch nhác, phản cảm ở nhiều khu phố.

Cơ sở kinh doanh phế liệu ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc lấn chiếm vỉa hè, hành lang giao thông Quốc lộ 1A.
Cơ sở kinh doanh phế liệu ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc lấn chiếm vỉa hè, hành lang giao thông Quốc lộ 1A.

“Có nhiều khi xe vận chuyển, tập kết phế liệu cồng kềnh dừng đỗ hàng giờ đồng hồ trên Quốc lộ 1A, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Đặc biệt, có thời điểm, phế liệu ùn ứ tồn đọng với khối lượng lớn, chất đầy trên vỉa hè. Mưa gió thì nước bẩn chảy tràn ra đường, nắng nóng thì tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ khó kiểm soát” - một người dân ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc cho biết.

Đâu là giải pháp?

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hồng Thành - Chủ tịch UBND phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh cho biết: Trên địa bàn có 6 hộ làm nghề kinh doanh, thu mua ô tô cũ ven đường Nguyễn Ái Quốc. Việc tồn tại các cơ sở kinh doanh này đã ảnh hưởng đến các tiêu chí xây dựng đô thị văn minh, nhất là vấn đề về môi trường, trật tự mỹ quan đô thị.

“Trước mắt khi chưa thể di dời các hộ kinh doanh vào các cụm công nghiệp, hoặc cụm làng nghề phù hợp, chính quyền và các lực lượng chức năng đã tổ chức cho các hộ ký cam kết không vi phạm hành lang giao thông, không gây ô nhiễm môi trường, nhưng thực tế vẫn chưa hiệu quả” - ông Lê Hồng Thành cho biết thêm.

Các cơ sở kinh doanh ô tô cũ đã ảnh hưởng đến các tiêu chí xây dựng đô thị văn minh tại nhiều địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh.
Các cơ sở kinh doanh ô tô cũ đã ảnh hưởng đến các tiêu chí xây dựng đô thị văn minh tại nhiều địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh.

Kinh doanh ô tô cũ và kinh doanh phế liệu đều là những hàng hóa thông thường, không thuộc diện cấm trong kinh doanh. Tuy nhiên, nếu đã kinh doanh thì phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, giấy phép kinh doanh và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Thực tế cho thấy, ở Hà Tĩnh đang tồn tại nhiều cơ sở kinh doanh mà hàng hóa được cho là cồng kềnh, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường (điển hình là nghề kinh doanh ô tô cũ và kinh doanh phế liệu) trước hết là do ý thức của các chủ hộ kinh doanh chưa cao. Bên cạnh đó, công tác quản lý của các cấp có thẩm quyền thiếu đồng bộ, các đợt ra quân giải tỏa lấn chiếm hành lang giao thông chưa quyết liệt, việc xử phạt vi phạm hành chính nếu có vẫn chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm ở nhiều nơi.

Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đã quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp, cụm làng nghề tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, chủ yếu mới chỉ tập trung vào các nghề như: Sản xuất gạch không nung, đúc cấu kiện bê tông, may mặc hoặc các nghề truyền thống. Riêng đối với nghề kinh doanh ô tô cũ và kinh doanh phế liệu vẫn chưa thể thu hút vào các cụm công nghiệp hoặc cụm làng nghề vì không nằm trong quy hoạch.

Các cơ sở kinh doanh ô tô cũ, kinh doanh phế liệu ở Hà Tĩnh thường nằm ven các tuyến đường giao thông huyết mạch và trong khu vực đô thị, nơi đông dân cư, thuận lợi cho việc buôn bán. Vì vậy, trong xây dựng đô thị văn minh, việc di dời các cơ sở kinh doanh đến địa điểm phù hợp là cần thiết và cũng cần có lộ trình, giải pháp cụ thể, nhằm bảo đảm hành lang an toàn giao thông, môi trường, trật tự mỹ quan đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.