70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Tĩnh: Nỗ lực chống hạn cho cây chè

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đang trải qua những ngày cao điểm nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Trước tình hình đó, người trồng chè đang tập trung nhiều biện pháp chống hạn, nhằm đảm bảo năng suất, sản lượng cây trồng.

Video: Hà Tĩnh tập trung chống hạn cho cây chè

Những ngày qua, nhiệt độ ở tỉnh Hà Tĩnh giao động phổ biến từ 36 - 38 độ C, có nơi trên 39 độ C. Nền nhiệt cao, kết hợp với gió Tây Nam thổi mạnh khiến cho nhiều địa bàn trong tỉnh đối mặt với nguy cơ hạn hán. Trong đó, cây chè ở vùng đồi núi thuộc huyện Hương Sơn chịu ảnh hưởng, tác động nặng nề nhất.

Anh Nguyễn Đình Mai tập trung tưới nước, chống hạn cho cây chè
Anh Nguyễn Đình Mai tập trung tưới nước, chống hạn cho cây chè

Gia đình anh Nguyễn Đình Mai ở xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn hiện có 10 sào chè công nghiệp LDP2. Trước thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm, để chủ động chống hạn cho cây chè, anh đã đầu tư kinh phí khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ Israel kết hợp với tưới thủ công.

Anh Mai cho biết, nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bình quân mỗi năm toàn bộ diện tích chè công nghiệp LDP2 cho thu hoạch khoảng từ 16- 18 tấn, trị giá hơn 100 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập chính trong phát triển kinh tế của gia đình và nuôi con cái ăn học.

“Ưu điểm của việc lắp đặt hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm nước theo công nghệ Israel kết hợp với tưới thủ công giúp điều chỉnh lượng nước phù hợp, góp phần chống hạn hiệu quả cho cây chè. Mô hình này vừa giảm công sức lao động vừa đảm bảo năng suất, sản lượng chè, nhất là trong thời kỳ cao điểm nắng nóng”, anh Nguyễn Đình Mai chia sẻ.

Mô hình tưới phun mưa tiết kiệm nước theo công nghệ Israel,  góp phần giảm công sức lao động, đảm bảo năng suất, sản lượng chè
Mô hình tưới phun mưa tiết kiệm nước theo công nghệ Israel,  góp phần giảm công sức lao động, đảm bảo năng suất, sản lượng chè

Những năm qua, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất đồi, phong trào trồng chè liên kết giữa người dân, doanh nghiệp tại các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim II, Sơn Tây... ở huyện miền núi Hương Sơn phát triển mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho Nhân dân.

“Toàn xã hiện có khoảng 800 hộ dân trồng, chăm sóc hơn 400 ha chè công nghiệp LDP2. Cây chè thực sự là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, đợt cao điểm nắng nóng này, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung các biện pháp chống hạn cho cây chè. Nhờ đó, toàn bộ diện tích chè đang sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất khá ổn định”, ông Lê Hồng Phong- Quyền Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 2 cho biết.

Nhờ chủ động các biện pháp chống hạn, cây chè ở xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, cho sản lượng ổn định
Nhờ chủ động các biện pháp chống hạn, cây chè ở xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, cho sản lượng ổn định

Theo thống kê, năm 2022 sản lượng chè búp tươi tại vựa chè huyện Hương Sơn đạt hơn 4.380 tấn, trị giá hàng chục tỷ đồng. Với nhiều giải pháp trong đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, hiện nay sản phẩm chè Hương Sơn đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và chiếm lĩnh tại nhiều thị trường các nước Trung Đông.

Hầu hết tại các đồi bãi trồng chè ở huyện Hương Sơn, người dân đều lắp đặt hệ thống tưới, chủ động phòng, chống hạn
Hầu hết tại các đồi bãi trồng chè ở huyện Hương Sơn, người dân đều lắp đặt hệ thống tưới, chủ động phòng, chống hạn

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Hồng Sánh- Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn cho biết, 6 tháng đầu năm nay sản lượng chè búp tươi của các hộ dân trồng liên kết ước đạt 2.280 tấn, tăng 140 tấn so với cùng kỳ năm trước.  Toàn bộ sản phẩm chè búp tươi được xí nghiệp thu mua với giá 6,7 triệu đồng/ tấn,  giúp người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế lâu dài.

“Trong thời kỳ cao điểm nắng nóng, đơn vị đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người trồng chè áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống hạn. Trong đó, chú trọng ứng dụng công nghệ tưới phun mưa Israel kết hợp với tưới thủ công tại các đồi bãi trồng chè, quyết tâm không để cây chè bị khô hạn hoặc bị chết do nắng nóng”, ông Nguyễn Hồng Sánh thông tin.

Nắng nóng gay gắt có thể kéo dài, các phương án chống hạn cho cây chè đang được người dân  nơi "vựa chè" Hương Sơn duy trì triển khai đồng bộ, hiệu quả
Nắng nóng gay gắt có thể kéo dài, các phương án chống hạn cho cây chè đang được người dân  nơi "vựa chè" Hương Sơn duy trì triển khai đồng bộ, hiệu quả

Nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt có thể kéo dài, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cây trồng, nhất là cây chè vốn thích nghi với điều kiện khí hậu nóng ẩm, nhiều mưa. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do thời tiết cực đoan, song người dân huyện miền núi Hương Sơn đang nỗ lực phòng, chống hạn, đảm bảo năng suất, sản lượng chè, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.