Được sự quan tâm của các cấp, ngành cùng sự phấn đấu, nỗ lực của tập thể cán bộ, nhận viên, trong những năm gần đây, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều thành tựu trong phong trào xây dựng NTM, chất lượng cuộc sống, ý thức bảo vệ môi trường và chăm sóc sức khỏe của người dân vùng nông thôn ngày càng được nâng cao. Giử vai trò hết sức quan trọng trong những kết quả chung ấy, tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm NSH&VSMTNT Hà Tĩnh đã phấn đấu, nổ lực hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra. Chỉ tính riêng năm 2018, Trung tâm đã đưa trên 30 ngàn người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt Quy chuẩn QCVN:02 của Bộ Y tế (tăng 3,0% so với năm 2017), nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh lên 97,0%, đạt 100% kế hoạch cả năm. Đưa tỷ lệ người dân nông thôn Hà Tĩnh sử dụng nước đạt Quy chuẩn QCVN 02, lên 47,2%. Hộ gia đình sử dụng hố xí hợp vệ sinh đạt 90%, tăng 3,2% so với năm 2017. Chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh đạt 85%, tăng 3,5%; đạt 120% kế hoạch đề ra.
Cùng với những thành tựu ấy, Trung tâm đã thực hiện thành công 05 công trình cấp nước nông thôn do UBND tỉnh Hà Tĩnh giao, với tổng mức đầu tư: 30,831 tỷ đồng, gồm: Mở rộng, nâng cấp công trình cấp nước xã Trường Sơn; Lắp đặt hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước xã Tân Lộc; Mở rộng mạng lưới cấp nước nhà máy nước Bắc Cẩm Xuyên cấp cho xã Cẩm Mỹ; Sửa chữa công trình cấp nước xã Gia Phố (giai đoạn 1) và Mở rộng, đấu nối công trình cấp nước xã Thạch Sơn (giai đoạn 2). Hiện nay, các công trình này đã hoàn thành và đang được nghiệm thu để bàn giao đưa vào sử dụng.
Song hành cùng với đó, là công tác Thông tin - Giáo dục - Truyền thông cũng được Trung tâm NSH&VSMTNT Hà Tĩnh quan tâm và đẩy mạnh. Để đến được với người dân, trung tâm đã tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau, như thông qua tập huấn trực tiếp, Báo, Đài, xây dựng pa nô, áp phích v.v. Qua đó, đã tổ chức được 17 lớp tại các xã xây dựng NTM đăng ký đạt chuẩn năm 2018, với hơn 1.300 lượt người tham gia. Xây dựng, lắp đặt 53 Áp phích truyền thông về lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tại 53 xã xây dựng NTM đăng ký đạt chuẩn năm 2018 và 2019. Từ đó, nhận thức của cán bộ và nhân dân về tầm quan trọng của lĩnh vực NS& VSMTNT đối với đời sống và sức khoẻ con người được nâng lên.
Đồng thời, công tác giám sát theo Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá NS&VSMTNT được tổ chức thực hiện nghiêm túc, các số liệu báo cáo chính xác, kịp thời và có hiệu quả. Hiện, trung tâm đã triển khai lấy mẫu, xét nghiệm phân tích chất lượng nước sinh hoạt cho 998 công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình tại 45 xã xây dựng nông thôn mới đăng ký đạt chuẩn năm 2018; kiểm tra, xét nghiệm 358 mẫu nước định kỳ hàng tuần tại các công trình cấp nước tập trung… Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ được đặt lên hàng đầu, nhất là ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào các công trình cấp nước tập trung, xử lý chất thải chăn nuôi kết hợp Bioga ..
Bên cạnh công tác chuyên môn thì các hoạt động xã hội cũng hết sức chú trọng, Trung tâm đã huy động được 8,3 tỷ đồng, cùng tham gia ngày công với đoàn thanh niên của Sở giúp đỡ các xã xây dựng NTM đăng ký đạt chuẩn năm 2018 và các xã xây dựng nông thôn mới do Sở NN &PTNT nhận đỡ đầu. Thực hiện xây dựng mô hình mẫu lắp đặt 100 bộ thiết bị xử lý nước sạch nhỏ lẻ hộ gia đình tại 10 xã xây dựng NTM có nguồn nước bị nhiễm phèn (mỗi xã 10 bộ).
Ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Trung tâm NSH&VSMTNT Hà Tĩnh cho biết: “Được sự quan tâm, chỉ đạo và giúp đỡ của Trung ương, tỉnh, Sở NN&PTNT, các sở, ban ngành và các cấp chính quyền địa phương, năm 2018 Chương trình NS&VSMTNT Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Góp phần vào việc cải thiện nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường cho người dân vùng nông thôn, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng có nguồn nước bị ô nhiễm xăng dầu trong chiến tranh, vùng bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước; làm giảm thiểu các loại dịch bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh môi trường”.
Tiếp tục những kết quả đã đạt được, với sự phối kết hợp, quan tâm của các Sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các địa phương, Trung tâm NSH&VSMTNT Hà Tĩnh đang hướng tới mục tiêu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch vào năm 2020.