Theo đó, trong 21 CCN đã được thành lập có 10 CCN do doanh nghiệp làm chủ đầu tư với tổng diện tích quy hoạch là 287,07ha; 11 CCN do UBND huyện làm chủ đầu tư với tổng diện tích quy hoạch 255,04ha. Đến nay có 3 CCN chưa hoạt động (chưa có dự án thứ cấp); 18 CCN đã đi vào hoạt động với 321 dự án/cơ sở sản xuất thứ cấp đăng ký, đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình gần 52,25%, giải quyết việc làm cho khoảng hơn 8.391 lao động.
Qua kiểm tra, rà soát về công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, có 08 CCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung (trong đó có 3 CCN được ngân sách đầu tư và 5 CCN do doanh nghiệp đầu tư). Tuy nhiên, tại một số CCN, hệ thống thu gom xử lý nước thải tập trung chưa đảm bảo theo quy định (mới có hồ điều hòa hoặc bể lắng, hệ thống thu gom nước thải chưa được thiết kế độc lập tách riêng với hệ thống thu gom thoát nước mưa,…).
Đối với hồ sơ, thủ tục môi trường, trong 21 CCN có 15 CCN đã có hồ sơ thủ tục môi trường (Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án bảo vệ môi trường được phê duyệt), 6 CCN chưa có hồ sơ, thủ tục môi trường. Trong 8 CCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, có 4 CCN đã có Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, 01 CCN đã được cấp Giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Để phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các sở, ngành, địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án, cơ sở sản xuất vào CCN; tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường; phát triển ngành nghề phù hợp, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.