Địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều khu rừng ngập mặn, nhiều đồng ruộng, đầm lầy là nơi thu hút các loài chim di cư về sinh sống, trú ẩn trong mùa mưa bão. Mùa chim di cư cũng là thời điểm nạn săn bắt, bẫy chim diễn ra ở nhiều nơi, trở thành nguồn thu nhập chính của một bộ phận người dân “hành nghề” đánh bắt chim trời.
Phương tiện, dụng cụ săn bắt, bẫy chim khá đơn giản, chủ yếu là cò giả được làm bằng xốp, que nhạ, chim mồi còn sống, lưới, máy phát tín hiệu…Bẫy chim giăng mắc khắp nơi, được ví như “thiên la, địa võng”, hễ có chim di cư đậu xuống đất hoặc bụi rậm là không còn lối thoát.
“Mùa mưa bão công việc nông nhàn, nhiều người tham gia săn bắt, bẫy chim di cư để có thêm thu nhập. Chim sau khi dính bẫy được vặt trụi lông, rất khó để phân biệt chim nuôi hay chim tự nhiên và được đem đi tiêu thụ ở các nhà hàng. Thời kỳ cao điểm, nhất là khi có bão, áp thấp nhiệt đới trên biển, có người thu nhập từ 1 đến 2 triệu đồng/ ngày nhờ săn bắt chim di cư”, ông Nguyễn Anh T ở xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân cho biết.
Bẫy chim di cư mọc lên nhan nhãn tại các đồng ruộng và ở những nơi có lùm cây, bụi rậm chim thường ẩn nấp. Thực tế cho thấy rằng, thời gian qua chính quyền các cấp, lực lượng kiểm lâm, công an…ở tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực tuyên truyền, ngăn chặn săn bắt, bẫy chim di cư, nhưng vẫn chưa triệt để.
“Địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, ký cam với các nhà hàng và người dân không mua bán, giết mổ, chế biến, tiêu thụ chim di cư. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, bẫy chim vẫn diễn ra, chủ yếu lét lút vào đêm tối. Nhiều lần các lực lượng phát hiện, tiêu hủy dụng cụ, nhưng sau đó cò giả, que nhạ lại được cắm trên đồng ruộng để đánh bắt chim di cư”, ông Nguyễn Khắc Phong, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà cho biết.
Mùa mưa bão, chim di cư xuất hiện rất nhiều trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, nhất là tại các huyện ven biển: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… Các loài chim di cư trong đợt này chủ yếu là cò, cói, diệc và một số loài khác. Chim di cư xuất hiện nhiều, do vậy tình trạng bẫy bắt công khai hoặc lén lút diễn ra ở nhiều nơi, gây nên những tác động không nhỏ đến môi sinh, môi trường, làm suy giảm, thậm chí tận diệt các loài chim tự nhiên.
Trao đổi với phóng viên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nghi Xuân Trần Thanh Tường cho biết, đến thời điểm này đơn vị đã tiến hành tháo dỡ, tiêu hủy gần 3.000 con chim giả, 6.045 m2 lưới, hơn 12.000 que nhạ, 6 bộ máy phát tín hiệu, 46 lùm lán dùng để ẩn nấp, bẫy bắt chim, thả về môi trường tự nhiên gần 400 con chim mồi còn sống.
“Hiện nay, tình trạng săn bắt chim di cư có giảm, nhưng vẫn chưa triệt để. Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với lực lượng công an tháo dỡ, tiêu hủy các phương tiện, dụng cụ đánh bắt chim di cư, xử lý nghiêm các trường vi phạm theo quy định của pháp luật”, ông Trần Thanh Tường thông tin.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, đến nay toàn tỉnh đã tháo dỡ, tiêu hủy 100.261 phương tiện, dụng cụ bẫy bắt chim di cư, trong đó có 12.083 con chim dã, 24.258m2 lưới, 63.674 que nhạ, 38 máy phát tín hiệu loa, ắc quy, thả vào môi trường tự nhiên gần 1.000 con chim mồi còn sống. Cùng với đó, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 08 vụ vi phạm về buôn bán, kinh doanh, tàng trữ, quảng cáo trên mạng xã hội với số tiền xử phạt 27 triệu đồng.
Săn bắt chim di cư là vi phạm Chỉ thị số 29 và Chỉ thị số 04 /CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam. Dù ở Hà Tĩnh việc ngăn chặn, xử lý chưa triệt để, song với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm và các bên liên quan đang góp phần tích cực vào sự sinh trưởng, phát triển của các loài chim hoang dã, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.