Hà Tĩnh: Rộn ràng mùa “se duyên” cho giống bưởi đặc sản Phúc Trạch

Hồ Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi những vườn bưởi Phúc Trạch rộ hoa là lúc người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) hối hả ra vườn “se duyên” để tăng năng suất cho giống bưởi đặc sản.

Những ngày này, người dân các xã ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đang hối hả ra vườn thụ phấn bổ sung cho giống bưởi đặc sản Phúc Trạch để tăng khả năng đậu quả. 
Theo người dân địa phương, giống bưởi Phúc Trạch có quả to tròn, vị thanh, tép mọng nước này thường trồng tại vùng đất phù sa màu mỡ hoặc vùng đất ven đồi, như xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Hương Thủy... Bởi vị đặc trưng mà không vùng đất nào có được nên giống bưởi này được mệnh danh là đặc sản của người dân miền núi phía Tây tỉnh Hà Tĩnh.
Bưởi Phúc Trạch được chia thành 2 loại. Loại được nhân giống bằng cách chiết cành hoặc ghép mắt, thường gọi là bưởi đường. Loại được nhân giống bằng hạt được gọi là bưởi chua, có sức sống khỏe hơn nhưng chất lượng quả kém hẳn so với cây chiết, ghép.
Ngày trước, những vườn bưởi ở đây được người dân chăm bón, cho thụ phấn tự nhiên nhờ côn trùng như ong, bướm… Tuy nhiên, việc thụ phấn này không giúp cây bưởi có khả năng đậu quả ổn định, lúc nhiều, lúc ít.
 Để tăng khả năng đậu quả, cứ dịp tháng 3 dương lịch hàng năm, khi những vườn bưởi rộ hoa trắng muốt, người dân bắt đầu tiến hành giúp cây thụ phấn bổ sung bằng cách lấy phấn của cây bưởi chua quét lên nhụy hoa bưởi đường.
Thời gian của mùa thụ phấn bổ sung sẽ kéo dài khoảng 10 ngày đến 1 tháng. Cây bưởi chua thường có chiều cao 3-4 m nên nhiều người phải leo lên cây hái từng bông để đảm bảo lượng phấn hoa.
Hơn 10 ngày nay, cứ tờ mờ sáng đến chiều tối, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng (49 tuổi, thôn Tân Trung, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê) lại có mặt ở vườn bưởi hơn 160 gốc để thụ phấn bổ sung. 
 ''Cứ mỗi vườn bưởi đường phải trồng thêm một cây bưởi chua để lấy hoa thụ phấn bổ sung cho cả vườn. Hoa được chọn phải đều, cánh mịn, khi chấm thử vào lòng bàn tay phấn hoa màu vàng sẽ rời ra thì khả năng đậu quả khi cho thụ phấn sẽ cao hơn. Việc thụ phấn phải làm liên tục giữa lúc hoa nở rộ, có lúc phải làm xuyên trưa để cây kịp đậu quả'', ông Hùng nói.
 Còn ông Nguyễn Văn Chung (49 tuổi, xã Hương Thủy) cho biết gia đình có hơn 300 gốc bưởi, số bưởi được trồng theo nhiều đợt nên việc hoa trổ bông không cùng lúc, việc này cũng gây khó khăn trong việc thụ phấn bổ sung. 
''Hoa bưởi được côn trùng thụ phấn chỉ đậu quả khoảng 30%, nhưng khi thụ phấn bổ sung sẽ tăng khoảng 80%. Cũng nhờ việc này mà năm vừa rồi gia đình thu hoạch khá từ bưởi'', ông Chung chia sẻ.
Do nhiều hộ dân có diện tích bưởi lớn, ra hoa đồng loạt, người trong gia đình không kịp thụ phấn nên phải thuê thêm nhân công với chi phí 250.000 đồng/ngày/người. Việc thụ phấn sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần để đảm bảo không bỏ sót, quả đậu nhiều hơn. Dù không quá phức tạp nhưng công việc này đòi hỏi sự tỉ mẩn, kiên trì của người nông dân khi hoa bưởi rất nhỏ và nhiều.
 Hương Khê hiện có hơn 2.000 ha bưởi Phúc Trạch. Năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận bưởi Phúc Trạch là một trong 7 loại cây ăn quả quý hiếm cấm xuất khẩu giống. Năm 2004, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm nhãn hiệu hàng hóa. Năm 2010, bưởi Phúc Trạch được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý Phúc Trạch.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần