Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Tĩnh: tăng cường kiểm soát, ngăn chặn bẫy thú rừng mùa mưa

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mùa mưa, một bộ phận người dân ở miền núi tỉnh Hà Tĩnh thường lén lút vào rừng săn bắt, bẫy thú trái phép. Trước tình hình đó, các cơ quan, đơn vị chủ rừng đã tăng cường kiểm soát, ngăn chặn, góp phần bảo vệ động vật hoang dã.

Rừng Hà Tĩnh hệ động vật khá phong phú, nhiều loài được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới
Rừng Hà Tĩnh hệ động vật khá phong phú, nhiều loài được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới

Mùa mưa là thời điểm các loài thú rừng thường xuất hiện để tìm kiếm thức ăn. Nắm bắt quy luật di chuyển của các loài thú, một bộ phận người dân sống gần rừng đã vào tận Tiểu khu 351 thuộc lâm phận của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đặt bẫy. Trong đó, bẫy kẹp được sử dụng khá phổ biến để bẫy bắt lợn rừng, mang, chồn, cheo và các loài thú móng guốc.

Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ Tiểu tuần tra, tháo gỡ bẫy thú rừng tại Tiểu khu 351 
Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ Tiểu tuần tra, tháo gỡ bẫy thú rừng tại Tiểu khu 351 

“Bẫy kẹp có vòng kìm sắt sắc nhọn. Khi con thú chẳng may bị sập bẫy là không thể dãy dụa, thoát ra ngoài. Mỗi lần đi tuần tra, kiểm soát trong rừng sâu, chúng tôi thường chú ý quan sát và sử dụng các phương án dò bẫy, tháo gỡ kịp thời để bảo vệ các loài thú quý hiếm” anh Lê Đình Dân- Trạm Bảo vệ rừng số 3, Khu bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ cho biết.

Nhiều bẫy kẹp được tháo gỡ kịp thời tại các khu rừng sâu
Nhiều bẫy kẹp được tháo gỡ kịp thời tại các khu rừng sâu

Săn bắt, bẫy thú tuy mang lại lợi ích kinh tế cho một bộ phận người dân, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tuyệt chủng các loài thú quý hiếm. Bởi vậy, các địa phương, đơn vị chủ rừng đã đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi hành vi, nhận thức của người dân, phát huy tinh thần cộng đồng trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn bẫy thú trái phép.

“Săn bắt, bẫy thú rừng gây nguy cơ tận diệt các loài động vật hoang dã. Do vậy, mỗi lần đi rừng nếu gặp bẫy, chúng tôi thường chủ động tháo gỡ hoặc báo với chủ rừng xử lý. Qua đó vừa phòng ngừa trâu bò thả rông trong rừng bị mắc bẫy vừa góp phần bảo tồn các loài thú quý hiếm”, ông Lê Quang Châu ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên chia sẻ.

Thông qua hệ thống bẫy ảnh phát hiện nhiều loài thú quý hiếm trong các khu rừng tự nhiên ở tỉnh Hà Tĩnh
Thông qua hệ thống bẫy ảnh phát hiện nhiều loài thú quý hiếm trong các khu rừng tự nhiên ở tỉnh Hà Tĩnh

Qua tìm hiểu được biết, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ hiện có gần 400 loài động vật có xương sống thuộc 99 họ, 47 loài thú, trong đó có 18 loài thú được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Mặc dù số lượng bẫy được phát hiện, tháo gỡ giảm hơn so với trước đây, nhưng vẫn đặt ra không ít việc phải làm cho chủ rừng khi mùa mưa đến.

Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Khu bảo tồn Thiên nhiên Kẻ Gỗ Nguyễn Văn Đức cho biết, mùa mưa đơn vị đã tháo gỡ hàng trăm bẫy kẹp, bẫy giây rút (bẫy được làm bằng giây cáp) trong rừng sâu. Bẫy được làm rất tinh vi, những người có kinh nghiệm mới có thể phát hiện, xử lý an toàn.

“Nguyên nhân bẫy thú vẫn lén lút diễn ra là do lợi ích kinh tế, thói quen của một bộ phận người dân sống gần rừng và một số nhà hàng vẫn có biểu hiện tiêu thụ thú rừng trái phép. Đơn vị tiếp tục phối hợp với các địa phương, lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường tuần tra, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật”, ông Nguyễn Văn Đức thông tin.

Các chủ rừng tăng cường kiểm soát, ngăn chặn bẫy thú rừng trong mùa mưa
Các chủ rừng tăng cường kiểm soát, ngăn chặn bẫy thú rừng trong mùa mưa

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 360 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, tại nhiều khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hệ động vật khá phong phú, đa dạng, nhiều loài được đưa vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Do vậy, công tác đấu tranh, ngăn chặn bẫy bắt thú trái phép trong mùa mưa được các lực lượng chức năng và chủ rừng chú trọng.

“Hiện nay, các chủ rừng đang tăng cường kiểm soát, ngăn chặn bẫy thú mùa mưa, số lượng bẫy đã tháo gỡ chưa có báo cáo cụ thể. Đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, ban hành các văn bản tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Đối với một số vùng trọng điểm có thể tiến hành kiểm tra đột xuất để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa”, đại diện lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh thông tin.

Bẫy kẹp vòng kìm sắc nhọn, được cho là rất nguy hiểm đối với các loài thú móng guốc
Bẫy kẹp vòng kìm sắc nhọn, được cho là rất nguy hiểm đối với các loài thú móng guốc
Việc tăng cường tuần tra, tháo gỡ bẫy thú rừng  là biện pháp quan trọng góp phần bảo vệ động vật hoang dã
Việc tăng cường tuần tra, tháo gỡ bẫy thú rừng  là biện pháp quan trọng góp phần bảo vệ động vật hoang dã

Hàng trăm bẫy kẹp, bẫy giây cáp được các lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng ở tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, tháo gỡ, điều đó cho thấy tình trạng săn bắt, bẫy thú trái phép vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp có thẩm quyền, thì người dân sống gần rừng cần nâng cao ý thức chung tay bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học.