Địa hình nhiều đồi núi, khe suối, mỗi khi mưa lớn kéo dài tỉnh Hà Tĩnh thường xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Do thói quen, tập quán sinh hoạt, gần đây rất nhiều hộ dân đã bạt núi cao, san nền để xây dựng nhà ở, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất khó lường.
Nhà ở của chị Nguyễn Thị Thương ở xã biên giới Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn nằm chênh vênh bên vách núi cao hàng chục mét. Sau mỗi đợt mưa lớn, đất từ trên núi sạt lở xuống sát nhà khiến chị không khỏi lo lắng về nguy cơ mất an toàn đối với người và tài sản.
“Mùa mưa lũ, sạt lở đất hết sức khó lường. Do vậy, gia đình luôn theo dõi diễn biến thời tiết, nếu có mưa lớn kéo dài, đất no nước, nguy cơ sạt lở cao thì phải gấp rút sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn”, chị Nguyễn Thị Thương cho biết.
Khu vực đồi núi hoặc ven sông suối ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh...là nơi định cư, sinh sống của hàng nghìn hộ dân. Đặc biệt, hầu hết nhà ở của người dân đều xây tường sát vách núi cao, dựng đứng, nếu mưa lớn kéo dài, đất no nước thì rất dễ bị sạt lở, vùi lấp.
“Qua rà soát, toàn xã hiện có 47 hộ dân/ 182 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở, 28 hộ dân/ 90 nhân khẩu nguy cơ bị lũ quyét, cuốn trôi. Chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nâng cao ý thức phòng ngừa lũ lụt, sạt lở đất cho người dân. Nếu mưa lớn kéo dài sẽ huy động lực lượng triển khai các phương án ứng phó, giúp đỡ di dời dân đến nơi an toàn”, ông Hoàng Văn Thư- Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn thông tin.
Lũ quét, sạt lở đất vùng rừng núi, sông suối thường xảy ra bất ngờ, bị động, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân. Tại những vùng thường xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở cao, các địa phương đều lắp đặt biển cảnh báo nguy hiểm, tuyên truyền người dân chủ động các phương án phòng ngừa.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Phan Kỳ cho biết, địa phương thường chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai, nhất là lũ lụt, hạn hán, lốc xoáy và sạt lở đất. Để hạn chế thiệt hại, huyện đã chỉ đạo các xã chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó với bão lũ, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi có thiên tai xẩy ra.
“Phương án sơ tán dân được rà soát cụ thể, xác định đầy đủ danh sách, số điện thoại của từng hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng và địa điểm di dời đến nơi an toàn khi cần thiết. Phương án ứng phó thiên tai được rà soát cụ thể, phù hợp với tình hình tại địa phương theo phương châm “bốn tại chỗ”, tuyệt đối không để xảy ra bị động, bất ngờ”, ông Phan Kỳ thông tin.
Sạt lở đất trong mùa mưa lũ thường gây nên hậu quả nghiêm trọng, khó lường. Vì vậy, bên cạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo của chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị liên quan thì người dân sống ở vùng rừng núi, ven sông suối tỉnh Hà Tĩnh cần chủ động các phương án phòng ngừa, ưng phó, giảm thiểu nguy cơ thiệt do thiên tai gây ra.