Hà Tĩnh: Xử phạt doanh nghiệp dựng xưởng cưa trên đê chống lũ

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Báo Kinh tế&Đô thị đăng bài “Hà Tĩnh: Ngang nhiên dựng xưởng cưa trên đê chống lũ”, chính quyền các cấp ở tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc xử lý vi phạm.

Đê Tả Nghèn trở thành bãi tập kết, chế biến gỗ quy mô lớn
Đê Tả Nghèn trở thành bãi tập kết, chế biến gỗ quy mô lớn

Đê Tả Nghèn đoạn từ cầu Hạ Vàng xã Thiên Lộc đến thị trấn Nghèn huyện Can Lộc dài khoảng 4km. Đây là công trình có vai trò rất quan trọng trong phòng chống bão lũ, cứu hộ cứu nạn. Vậy nhưng, trên tuyến đê xung yếu này đang xảy ra tình trạng người dân, doanh nghiệp lấn chiếm mặt đê dựng xưởng cưa kiên cố (chủ yếu cưa xẻ, chế biến gỗ nhập khẩu, gỗ rừng trồng, gỗ vườn…) sai quy định.

Nhà xưởng chế biến gỗ được dựng kiên cố trên đê Tả Nghèn
Nhà xưởng chế biến gỗ được dựng kiên cố trên đê Tả Nghèn

Điều đáng nói, để bảo vệ gỗ và phục vụ sản xuất kinh doanh các chủ xưởng cưa đã lắp đặt cửa thép chắn ngang đê. Việc làm này không chỉ gây khó khăn, cản trở trong đi lại, lao động sản xuất của Nhân dân, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác cứu hộ, cứu nạn khi mưa lũ ập đến.

Đê Tả Nghèn bị doanh nghiệp ngang nhiên chiếm dụng trái phép, gỗ tập kết tràn lan, máy móc, thiết bị cồng kềnh. Sự việc diễn ra suốt thời gian dài trong khi đó chính quyền các cấp lại không hề hay biết, hoặc có biết nhưng không vào cuộc kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm, khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Gỗ được tập kết, chế biến với số lượng lớn tại nhiều nhà xưởng trên đê Tả Nghèn
Gỗ được tập kết, chế biến với số lượng lớn tại nhiều nhà xưởng trên đê Tả Nghèn

Tại buổi làm việc với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc Đặng Anh Tuấn cảm ơn quý Báo đã phản ánh kịp thời, chính xác về tình trạng lấn chiếm đê Tả Nghèn dựng xưởng cưa sai quy định. Sau khi báo đăng chúng tôi đã thành lập đoàn trực tiếp kiểm tra, yêu cầu chủ doanh nghiệp dời dọn toàn bộ gỗ tập kết trên mặt đê, đồng thời tháo dỡ xưởng cưa, trả lại hành lang đê thông thoáng.

Ông Đặng Anh Tuấn cho biết thêm: Xã Thiên Lộc đã ban hành Quyết định số 129, ngày 7/7/2022 về xử phạt vi phạm hành chính đối với đoanh nghiệp tư nhân vật liệu xây dựng và chế biến lâm sản Huy Thăng với số tiền 8 triệu đồng, vì “để vật liệu trong phạm vi bảo vệ đê điều”. Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc doanh nghiệp chấp hành khôi phục lại hiện trạng ban đầu, di dời toàn bộ gỗ ra khỏi phạm vi hành lang bảo vệ đê Tả Nghèn. Nếu quá thời hạn 10 ngày, doanh nghiệp Huy Thăng không chấp hành sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Các xưởng cưa trên đê Tả Nghèn hoạt động rầm rộ như một làng nghề
Các xưởng cưa trên đê Tả Nghèn hoạt động rầm rộ như một làng nghề

Liên quan đến vấn đề doanh nghiệp dựng xưởng cưa trên đê Tả Nghèn, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Trần Mạnh Sơn cho biết: Công tác xử lý vi phạm huyện giao cho xã Thiên Lộc thực hiện. Sau đó, huyện sẽ thành lập đoàn kiểm tra mức độ vi phạm, các biện pháp khắc phục của doanh nghiệp, không để tái lấn chiếm dựng xưởng cưa, tập kết gỗ trái quy định trên đê chống lũ.

Xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp chiếm dụng đê chống lũ Tả Nghèn để dựng xưởng cưa được cho là động thái tích cực của chính quyền các cấp ở huyện Can Lộc nhằm bảo vệ an toàn đê điều. Tuy nhiên, công tác xử lý vi phạm liệu đã đủ sức răn đe hay mới chỉ là động thái “giơ cao, đánh khẽ” để rồi việc lấn chiếm lại tái diễn?

Các xưởng cưa trên đê Tả Nghèn cần được tháo dỡ, di dời , trả lại hành lang đê thông thoáng
Các xưởng cưa trên đê Tả Nghèn cần được tháo dỡ, di dời , trả lại hành lang đê thông thoáng

Thực tế hiện nay trên đê Tả Nghèn đang có rất nhiều máy cưa, hoạt động rầm rộ như một làng nghề, các nhà xưởng được dựng kiên cố, số lượng gỗ tập kết để cưa xẻ, chế biến rất lớn. Dư luận cho rằng, tuyến đê xung yếu này sẽ không thể phát huy hiệu quả, công năng trong phòng, chống bão lũ, cứu hộ cứu nạn, nếu những xưởng cưa trên đê không được tháo dỡ, di dời.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần