KTĐT - Sau một cuộc tranh luận kéo dài đến nửa đêm ngày 19/2, Hạ viện Mỹ, dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng hòa đã thông qua dự luật cắt giảm chi tiêu 61 tỷ USD cho hàng trăm chương trình của Chính phủ liên bang từ nay cho tới ngày 30/9, thời điểm kết thúc năm tài khóa 2010 -2011.
Cuộc bỏ phiếu được thông qua với tỷ lệ 235 phiếu thuận/189 phiếu chống. Đây là kế hoạch cắt giảm chi tiêu kỷ lục trong lịch sử Mỹ.
Theo kế hoạch được thông qua, Hạ viện cắt giảm kinh phí chăm lo cho sức khỏe của Tổng thống Obama và ngừng cấp cho Quỹ điều chỉnh phát thải khí nhà kính của Cơ quan Bảo vệ Môi trường. Kinh phí cho dự án sản xuất chiếc máy bay tiêm kích tàng hình F-35 thứ hai, khoản tài trợ cho Viện Hòa bình Mỹ cũng như Trung tâm Đông - Tây đều bị loại bỏ. Hạ viện còn cắt giảm kinh phí dành cho thực phẩm, an ninh, 400 triệu USD xây dựng hạ tầng cho Afghanistan, 1,5 triệu USD tăng cường cho lực lượng an ninh Iraq...
Chính phủ của Tổng thống Barack Obama và các nhà lãnh đạo Thượng viện, thuộc Đảng Dân chủ, ngay lập tức lên tiếng chỉ trích kết quả trên. Hầu như chắc chắn dự luật này sẽ không thể qua ải Thượng viện, nơi phe Dân chủ chiếm đa số. Tổng thống Obama cũng đe dọa sẽ phủ quyết dự luật cắt giảm chi tiêu nếu nó làm suy yếu an ninh quốc gia và tiến trình phục hồi kinh tế.
Chính phủ hiện đang tài trợ cho một kế hoạch chi tiêu tạm thời, sẽ hết hạn vào ngày 4/3, cũng do sự bất đồng tại Quốc hội hồi năm ngoái. Khi việc tài trợ này kết thúc, các khoản hoàn thuế, kiểm tra an sinh xã hội, thanh toán cho các cựu chiến binh có thể bị chậm trễ.
Tuần này, Hạ viện và Thượng viện ngừng họp, khiến các nhà lập pháp khó có thể đạt được một sự thỏa hiệp và có khả năng Quốc hội sẽ phải thông qua một Dự luật chi tiêu ngắn hạn để giữ cho Chính phủ hoạt động. Đến nay, không phe nào chịu nhượng bộ và khó có thể đạt được thỏa thuận trước thời hạn ngày 4/3. Đến ngày này, nếu kế hoạch ngân sách mới không được thông qua, các cơ quan chính quyền liên bang sẽ bị cắt ngân sách hoạt động. Trong trường hợp tình trạng này xảy ra, trừ những lĩnh vực thiết yếu như điện, nước, cứu hỏa, cảnh sát, mọi cơ quan công quyền khác sẽ ngưng làm việc. Nhiều ban, ngành Nhà nước đã lên tiếng cảnh báo về việc buộc phải sa thải nhân viên nếu tình huống trên xảy ra.