Hai cung bậc đang diễn ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý 2/2023

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - ''Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý 2/2023 cùng lúc diễn ra 2 cung bậc, sôi động và trầm lắng" - Đó là phân tích, nhận định của một số công ty chứng khoán.

Phát hành riêng lẻ lại trầm lắng

Theo Công ty chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT Research) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong quý 2/2023 có 29 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong nước thành công, với tổng giá trị phát hành (GTPH) đạt khoảng 19.281 tỷ đồng, giảm, 34,4% so với quý 1/2023, và giảm 83,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, có 28 đợt phát hành riêng lẻ (PHRL), với 17.281 tỷ đồng, chiếm 89,6% tổng GTPH. Lũy kế, 6 tháng đầu năm 2023 tổng GTPH đạt khoảng 48.687 tỷ đồng, giảm 73,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, GTPH riêng lẻ đạt 42.787 tỷ đồng, giảm 75,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng GTPH ra công chúng đạt 5.900 tỷ đồng, giảm 15,9% so với cùng kỳ.

Biều đồ phát hành trái phiếu riêng lẻ đặt thấp. Ảnh nguồn HNX và VNDIRECT Research.
Biều đồ phát hành trái phiếu riêng lẻ đặt thấp. Ảnh nguồn HNX và VNDIRECT Research.

Theo VNDIRECT Research, nhóm doanh nghiệp bất động là nhóm ngành có tỷ trọng phát hành TPDN lớn nhất trong quý 2/2023, chiếm hơn 34,9% tổng GTPH. Đứng sau là nhóm ngân hàng chiếm 29% tổng GTPH. Tập đoàn đa ngành và nhóm logistics chiếm lần lượt là 10,4% và 8,5% tổng GTPH. Còn lại là các nhóm ngành nghề khác chiếm 17,2% tổng GTPH.

Phát hành ra công chúng trong quý 2/2023 chỉ có duy nhất Tập đoàn Masan, với tổng GTPH thành công là 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm theo lãi suất thả nổi (được tính theo lãi suất huy động 12 tháng trung bình của 4 ngân hàng thương mại nhà nước cộng thêm 4%).

Theo phân tích của chuyên gia chứng khoán tại VNDIRECT Research, sau một số đợt PHRL có giá trị cao trong tháng 3 - ngay sau khi Nghị định 08 của Chính phủ được ban hành, quý 2 hoạt động PHRL quay lại trầm lắng. VNDIRECT Research cho rằng, nguyên nhân chính là niềm tin của các nhà đầu tư chưa quay trở lại trong bối cảnh còn nhiều tổ chức phát hành trái phiếu đang gặp khó khăn về hoạt động kinh doanh và dòng tiền, dẫn tới chậm thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư.

Nhà đầu tư Phạm Thành An (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), chia sẻ về những khó khăn trong việc mua TPDN trong thời điểm này: “Thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng. Hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc chưa có nhiều diễn biến tích cực. Các trái phiếu có giá trị lớn đến hạn thì doanh nghiệp đều phải đàm phán với trái chủ để gia hạn vì không có nguồn trả. Do đó nhà đầu tư bị nợ đọng tài chính nên không có tiền mua tiếp. Mặt khác, có tiền cũng nghe ngóng thị trường, cùng với các chính sách mới của Chính phủ thúc đẩy thị trường bất động sản sôi động thì nguồn vốn trên thị trường mới được luân chuyển. Như vậy nhà đầu tư mới dám mua trái phiếu của doanh nghiệp”.

Gia hạn và mua lại diễn ra sôi động

Theo VNDIRECT Research, kể từ khi NĐ08 được ban hành, đến nay hoạt động đàm phán, gia hạn kỳ hạn trái phiếu giữa các tổ chức phát hành trái phiếu và trái chủ đã diễn ra sôi động.

Tính đến ngày 26/6, có hơn 30 đơn vị phát hành trái phiếu đạt được thỏa thuận gia hạn kỳ hạn trái phiếu với các trái chủ, tổng giá trị trái phiếu được gia hạn kỳ hạn là hơn 42.000 tỷ đồng. Thời gian gia hạn của các lô trái phiếu đã được gia hạn đa dạng từ 1 đến 24 tháng.

Trong khi lãi suất trái phiếu được tính trong khoảng thời gian trái phiếu được gia hạn, phần lớn cũng được thỏa thuận tăng so với lãi suất ban đầu của trái phiếu, với mức tăng từ 0,5% - 3% tùy theo khoảng thời gian gia hạn của trái phiếu.

Khối lượng và giá trị trái phiếu đáo hạn cuối năm còn khá lớn. Ảnh nguồn HNX và VNDIRECT Research.
Khối lượng và giá trị trái phiếu đáo hạn cuối năm còn khá lớn. Ảnh nguồn HNX và VNDIRECT Research.

Theo chia sẻ của đại diện một doanh nghiệp bất động sản: “Trong bối cảnh đơn vị phát hành trái phiếu khó khăn khi dòng tiền về công ty ít. Chúng tôi chỉ chi trả được những khoản trái phiếu có giá trị vài trăm triệu. Còn những trái phiếu có giá trị 1 tỷ trở lên phải đàm phán với trái chủ để gia hạn. Vẫn biết gia hạn là gia tăng thêm chi phí tài chính trong tương lai. Nhưng nếu dòng tiền về mà chúng tôi trả nợ trái phiếu hết thì không có nguồn để phát triển sản phẩm mới, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, doanh nghiệp sẽ đóng cửa sớm. Chúng tôi rất mong thị trường bất động sản sôi động trở lại để công ty giải phóng được nguồn hàng tồn đọng. Từ đó, doanh nghiệp mới có nguồn vốn để hoạt động kinh doanh cũng như trả nợ trái chủ”.

Còn theo HNX, kể từ tháng 5, tốc độ mua lại TPDN trước hạn có xu hướng tăng mạnh. Tổng giá trị TPDN được mua lại trước hạn trong quý 2/2023 đạt hơn 62.535 tỷ đồng, tăng 76,8% so với quý 1/2023 và tăng 4,9% so với cùng kỳ.

Theo nhận định của VNDIRECT Research, giá trị TPDN mua lại trước hạn tăng mạnh trong quý 2/2023 chủ yếu từ hoạt động mua lại trước hạn của các ngân hàng thương mại. Trong quý 2, nhóm ngân hàng đã mua lại tổng cộng 39.842 tỷ đổng TPDN trước hạn, chiếm 63,7% tổng giá trị TPDN được mua lại trước hạn trong quý. Trong khi quý 1, nhóm này chỉ mua lại trước hạn 330 tỷ đồng.

Chuyên gia chứng khoán cho rằng, nhu cầu tín dụng yếu trong những tháng đầu năm, cùng với mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào là điều kiện và động lực để các tổ chức tín dụng thực hiện mua lại trước hạn các lô trái phiếu phát hành riêng lẻ của mình.

Ngân hàng mua lại nhiều nhất TPDN trước hạn trong quý 2 là Ngân hàng TMCP Tiên Phong và Ngân hàng TMCP Phương Đông, mỗi đơn vị có giá trị mua lại 5.500 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam đã mua lại 5.000 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam mua lại 4.792 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam đã mua lại 4.500 tỷ đồng …

Dự báo còn nhiều khó khăn

Theo VNDIRECT Research và HNX, danh sách các công ty chậm thanh toán nợ TPDN tiếp tục gia tăng trong 2 quý còn lại của năm 2023. Tính đến ngày 26/6, thị trường có khoảng 59 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX.

Ước tính, tổng dư nợ TPDN của các đơn vị này vào khoảng 159.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 14,6% dư nợ TPDN toàn thị trường. Hiện còn khoảng hơn 43.800 tỷ đồng TPDN của các doanh nghiệp trong danh sách sẽ đáo hạn trong năm 2023, chiếm khoảng 19,6% tổng giá trị đáo hạn toàn thị trường cả năm

Tỷ trọng nợ chậm thanh toán của các doanh nghiệp trên thị trường trái phiếu. Ảnh nguồn HNX và VNDIRECT Research.
Tỷ trọng nợ chậm thanh toán của các doanh nghiệp trên thị trường trái phiếu. Ảnh nguồn HNX và VNDIRECT Research.

Đối với TPDN đáo hạn, nhận định của các chuyên gia chứng khoán tại VNDIRECT Research cho biết, áp lực TPDN đáo hạn vẫn đang gia tăng trong 2 quý cuối năm nay, trong khi nhiều tổ chức phát hành trái phiếu vẫn còn khó khăn trong hoạt động kinh doanh và dòng tiền hạn chế.

Do đó, việc đàm phán để gia hạn thời hạn các trái phiếu đến hạn là một trong những giải pháp tốt nhất mà các đơn vị phát hành trái phiếu có thể lựa chọn ở thời điểm này. Trong năm 2023, VNDIRECT ước tính giá trị đáo hạn TPDN vào khoảng 223.400 tỷ đồng, tăng 45,6% so với cùng kỳ. Trong đó, quý 3/2023 sẽ có khoảng hơn 75.900 tỷ đồng TPDN đáo hạn, tăng 14,9% so với quý 2.

Bất động sản vẫn là nhóm có tỷ trọng đáo hạn lớn nhất, chiếm gần 43,6% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý 3. Đứng sau là nhóm tTài chính – ngân hàng với tỷ lệ chiếm 30% tổng giá trị đáo hạn. Với khổi lượng trái phiếu đáo hạn lớn kể trên trong nửa cuối năm, các chuyên gia cho rằng, thị trường TPDN còn nhiều khó khăn, nếu như thị trường bất động sản không được tháo gỡ.