Nhà cụ Nguyễn Thị An ở Phú Thượng
Rời an toàn khu Định Hóa - Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội ngày 23/8/1945. Nơi Bác đến đầu tiên là đình làng Phú Xá, Phú Gia (nay là Phú Thượng, Tây Hồ). Sau đó, Bác và đoàn cán bộ Trung ương vào nghỉ và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An và con trai cụ ông Công Ngọc Kha.
Bác và đoàn cán bộ Trung ương chọn nhà cụ Nguyễn Thị An là bởi cụ An và con trai Công Ngọc Kha đều được giác ngộ cách mạng từ những năm 1940 - 1941. Ông Kha là 1 trong 5 đảng viên đầu tiên của Phú Thượng khi đó. Căn nhà của cụ An nằm ngay trong con ngõ nhỏ, sát với đê sông Hồng. Phong trào cách mạng ở Hà Nội khi đó rất sục sôi, trong đó có Phú Thượng. Suốt dọc 2km chạy dài theo triền đê người dân Phú Thượng hoạt động cách mạnh rộng khắp.
Theo ông Công Ngọc Dũng, cháu nội của cụ An, từ ngày 23 - 25/8/1945, Bác nghỉ lại gia đình. Tất cả những người ở đây, kể cả những người tham gia cách mạng của Phú Thượng cũng không ai biết đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi đó là Nguyễn Ái Quốc). Lúc đó mọi người trong gia đình chỉ biết Bác là ông cụ râu dài, tóc hoa râm làm việc suốt ngày đêm và ngủ rất ít.
Cụ An và gia đình đã dành riêng cho Bác bộ bàn ghế để tiếp khách, làm việc, sập gỗ để nghỉ ngơi. Hàng ngày có rất nhiều người đến nhà họp bàn rồi lại đi. Vào mỗi sáng sớm, Bác dậy sớm, ra bờ ao tập thể dục rồi lại làm việc. Cụ An là người được giao nhiệm vụ nấu cơm phục vụ Bác và những người trong đoàn.
Chiều 25/8/1945, Bác gọi ông Công Ngọc Kha, con cụ An đến để nói chuyện và cảm ơn gia đình đã chăm lo trong mấy ngày vừa qua. Bác chào mọi người trong gia đình và dặn lại: “Sau này sẽ có ngày tôi về thăm gia đình”.
Đến ngày 2/9/1945, những người trong gia đình cụ An và nhiều người ở Phú Thượng do hoạt động cách mạng nên được mời ra Quảng trường Ba Đình nghe Bác đọc Tuyên ngôn độc lập. Khi về ông Hoàng Tùng hỏi: “Mọi người có thấy ông cụ đọc Tuyên ngôn Độc lập hôm nay quen không? Mọi người có biết đó là ai không?”. Khi đó mọi người trong gia đình nhìn nhau cùng trả lời có thấy quen, nhưng không biết là ai. Ông Hoàng Tùng cho biết: Đó là Nguyễn Ái Quốc, ai nấy đều xúc động vô cùng.
Nhà 48 Hàng Ngang
Sau khi rời nhà cụ An, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ngôi nhà 48 Hàng Ngang, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Khi ấy, ngôi nhà là của gia đình ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ, một doanh nhân buôn tơ lụa nổi tiếng giàu có tại đất Hà thành.
Nằm ngay nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ, với kiến trúc nhà ống, có 2 cửa. Mặt trước là phố Hàng Ngang và mặt sau là phố Hàng Cân. Chọn căn nhà này để làm việc của Bác và Trung ương Đảng là do trung tâm TP Hà Nội khi đó phong trào cách mạng đã lên cao.
Trong đó, đỉnh cao là ngày 17/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội, quần chúng cách mạng đã chiếm lấy diễn đàn cuộc mít tinh của Tổng hội Viên chức chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim. Cán bộ cách mạng đã báo tin cho đồng bào biết phát xít Nhật đã đầu hàng, đồng thời trình bày tóm tắt chủ trương, đường lối cứu nước của Việt Minh.
Sáng 19/8, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội tay cầm cờ, biểu ngữ đi khắp ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát Lớn. Cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng đã diễn ra, trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm Phủ khâm sứ, Trại lính Bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn.
Theo thuyết minh viên Quách Thị Hương Trà, trong những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, ngôi nhà là nơi làm việc của Thường vụ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà Nội làm việc, Bác đã viết bản Tuyên ngôn Độc lập, đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Trước đó, ngôi nhà đã là cơ sở hoạt động cách mạng của Việt Minh.
Sau này, gia đình ông Trịnh Văn Bô đã hiến tặng cho Nhà nước ngôi nhà 48 Hàng Ngang. Ngôi nhà đã được xếp hạng Di tích Quốc gia, trở thành một di tích lịch sử cách mạng của đất nước và niềm tự hào của Nhân dân Thủ đô Hà Nội. Kiến trúc của ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn như trước. Tầng 1 là nơi trưng bày các di ảnh, đồ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc lão thành cách mạng.
Tầng 2, nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương trước kia nay vẫn giữ nguyên các hiện vật, gồm 1 chiếc bàn và 8 chiếc ghế tựa. Một chiếc máy chữ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sử dụng viết bản Tuyên ngôn Độc lập. Đồng tiền đầu tiên khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành năm 1945.