Nữ thương binh đau đáu vì nạn nhân da cam
Kinhtedothi – Giữa nhịp sống hối hả, ồn ào, hình ảnh nữ thương binh hạng 4/4, gần 60 năm tuổi Đảng ở Cà Mau vẫn âm thầm, tận tụy chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo. Cô là hiện thân của người lính Cụ Hồ giữa đời thường - sống nghĩa tình, thủy chung, hết lòng vì đồng bào, đồng chí.
Nữ thương binh tận tụy vì nghĩa đồng bào, tình đồng chí
Đến Cà Mau, nhắc đến cô Chín Hà, từ đoàn viên thanh niên đến cựu chiến binh đều quen thuộc và tỏ lòng kính trọng. Dù đã cao tuổi, sức khỏe giảm sút, nữ thương binh 4/4 - cựu thanh niên xung phong, 58 năm tuổi Đảng, vẫn tận tâm chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam tại khóm 5, phường Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau.

Cô Chín Hà tại buổi gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu dịp Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Ảnh nhân vật cung cấp.
Theo ngành chức năng, trong quá trình triển khai hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - văn minh đô thị" và kêu gọi Nhân dân phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, cô Chín Hà cùng các tổ chức đoàn thể đã làm nòng cốt xây dựng các Tổ tiết kiệm, Tổ hùn vốn. Nhờ đó, đã huy động được trên 1 tỷ đồng, hỗ trợ nhiều hộ khó khăn có vốn làm ăn, từng bước vươn lên trong cuộc sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Nếu như năm 2015, khóm 7 còn 17 hộ cận nghèo và 7 hộ nghèo thì đến nay, không còn hộ nghèo hay cận nghèo nào.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), cái tên Chín Hà được nhắc đến nhiều lần như một tấm gương tiêu biểu với những thành tích nổi bật. Trên cương vị Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam, từ năm 2015 đến 2025, cô đã cùng hội góp phần phát triển hội từ 57 lên 270 hội viên; vận động trên 1 tỷ đồng hỗ trợ nạn nhân da cam; xây mới và sửa chữa 6 căn nhà cho nạn nhân da cam khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí 240 triệu đồng; thăm hỏi 74 lượt nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện với tổng trị giá hơn 40 triệu đồng.
Tất cả những con số ấy chỉ phản ánh một phần nhỏ trong hành trình dài đóng góp không ngơi nghỉ của cô. Những nỗ lực ấy đã giúp cô vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2025.
Người con Gạch Gốc anh hùng
Ít ai biết rằng, người phụ nữ 76 tuổi gầy gò, đang mang trong mình căn bệnh suy thận, lại từng hiên ngang đối đầu trực diện với những trận rải thảm chất độc dioxin từ máy bay Mỹ trong chiến tranh. Bà xuất thân từ vùng đất cách mạng nổi tiếng của tỉnh Cà Mau – nơi hun đúc tinh thần kiên cường, bất khuất của bao thế hệ.

Cô Ngô Thu Hà (Chín Hà), thương binh 4/4, 76 tuổi vẫn tận tụy với công việc chăm lo cho nạn nhân chất độc da cam. Ảnh Hoàng Nam
Cô Chín Hà, tên thật là Ngô Thu Hà, SN 1949, lớn lên tại vùng đất Gạch Gốc – Tân Ân, Cà Mau, nơi giàu truyền thống cách mạng ngay từ những ngày đầu Nam Kỳ khởi nghĩa. Trong 10 liệt sĩ Hòn Khoai bị thực dân Pháp xử bắn tại Cà Mau năm 1940, ngoài Anh hùng Phan Ngọc Hiển, thì 9 người còn lại đều là bà con thân thuộc của cô, trong đó có Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Đắc – cậu ruột của cô.
Năm 1962, hình ảnh máy bay Mỹ rải chất độc dioxin dọc hai bờ con sông quê hương, bộ đội phải lấy nilon trùm kín để chống chọi, đã in sâu vào tâm trí thiếu nữ Ngô Thu Hà. Căm phẫn giặc ngoại xâm, cô xin tham gia công tác địa phương, dạy lớp bình dân học vụ cho trẻ em nghèo ở xóm Gạch Gốc. Không lâu sau, cô gái 14 tuổi tình nguyện lên đường, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường miền Đông Nam Bộ đầy khốc liệt.
Trong những năm chiến đấu tại Tây Ninh, nữ thanh niên xung phong Chín Hà cùng đồng đội bám trụ địa bàn, thông đường, tải đạn, phục vụ các trận đánh đối kháng ác liệt với quân đội Mỹ. Không ít lần, cô phải đối mặt với các đợt rải chất độc hóa học tàn khốc, để lại hậu quả lâu dài. Hòa bình lập lại, cô Chín Hà trở về quê hương Minh Hải, tiếp tục công tác tại Sở Nông nghiệp tỉnh, rồi lập gia đình.
Đã nhiều năm nay, người dân địa phương đã quen thuộc với hình ảnh người Bí thư khóm Chín Hà với dáng người gầy gò, cần mẫn đạp xe đến từng nhà, từng khu phố để vận động, động viên cán bộ, đảng viên hưu trí tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ sở. Gần đây, dù chỉ còn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam phường Bạc Liêu, sức khỏe đã giảm sút nhiều, nhưng cô Chín Hà vẫn không quản ngại vất vả, đi xe ôm đến từng nhà để thăm hỏi, hỗ trợ những nạn nhân chất độc da cam.
Được hỏi vì sao đã cao tuổi, nhưng cô vẫn tham gia nhiều công tác đoàn thể như vậy, cô chỉ đáp gọn: “Bác Hồ trọn đời lo cho nước, cho dân, mình chỉ học một phần theo gương Bác, còn sức bao nhiêu thì lo cho dân bấy nhiêu".

Cô Chín Hà tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 43 CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng giai đoạn 2015 - 2025. Ảnh nhân vật cung cấp
Bí thư Đảng ủy phường Bạc Liêu Tô Việt Thu cho biết, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2025, cô Chín Hà được vinh danh là một trong những tấm gương tiêu biểu.
Nhưng trên hết, tất cả những món quà mà cô vận động được từ các nguồn xã hội hóa hay hỗ trợ khác đều được cô trao tận tay các nạn nhân chất độc da cam. Riêng bản thân, dù cũng là một nạn nhân da cam, cô chưa từng nhận, cũng chưa từng nghĩ mình có phần. “Bởi chỉ khi thấu hiểu nỗi đau da cam, mới cảm nhận hết được nỗi đau của những người lính đã đi qua cuộc chiến khốc liệt” - cô trải lòng.
Khi được hỏi vì sao lại gắn bó sâu nặng với những nạn nhân chất độc da cam, cô Chín Hà nhẹ nhàng chia sẻ: “Vì cô cũng là một nạn nhân của loại chất độc khủng khiếp ấy, nên càng thấu hiểu nỗi đau mà đồng bào, đồng đội mình phải gánh chịu. Trong đời cô, không biết đã bao lần phải đối diện với những trận rải chất độc dioxin từ máy bay Mỹ và cũng từng chứng kiến biết bao đồng đội bị di chứng dày vò qua nhiều thế hệ.”
Mình đau một, đồng bào đau mười
Nỗi ám ảnh về dioxin chưa bao giờ nguôi với người nữ thanh niên xung phong năm xưa. Chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, cô Chín Hà nghẹn ngào: “Mỗi lần sinh con, cô lại gắng quay nhìn con thật kỹ, chỉ mong con lành lặn, không dị tật như con của nhiều đồng đội khác. Khi thấy các con nguyên vẹn, cô mừng lắm, nghĩ mình còn may mắn.”
Tưởng chừng đã thoát khỏi bóng đen da cam khi cả bốn người con đều bình thường, nhưng rồi một người con gái của cô bị thiểu năng, một người cháu mắc hội chứng down và mất sớm. “Cô đã khóc cạn nước mắt vì nỗi đau tưởng chừng đã qua” – cô tâm sự. Điều day dứt nhất với cô bây giờ là sức khỏe không còn như trước, trong khi lòng vẫn đau đáu mong được tiếp tục chăm lo cho các nạn nhân chất độc da cam nhiều hơn nữa.

Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị trò chuyện với cô Chín Hà tại nhà riêng.
Ảnh Hoàng Nam
Được hỏi về mơ ước lớn nhất bây giờ, cô chỉ trả lời: “Chỉ mong mình còn khỏe, để có sức lo cho thân nhân, gia đình nạn nhân da cam và những đồng đội năm xưa”.
"Cô Chín Hà là tấm gương sáng ngời về phẩm chất kiên trung của người lính Cụ Hồ, một nữ thương binh "tàn nhưng không phế", luôn tận tụy với công việc, với nạn nhân chất độc da cam dù bản thân cũng là một nạn nhân chất độc da cam. Cô còn là một tấm gương đảng viên điển hình trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xứng đáng được Thủ tưởng Chính phủ tặng Bằng khen" – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau Hồ Trung Việt nhấn mạnh.

Cà Mau hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
Kinhtedothi – Cà Mau vừa công bố hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Hoạt động mang ý nghĩa to lớn này đã giúp cuộc sống của hàng nghìn hộ dân thêm ổn định, bền vững.

Cà Mau: nhiều dự án trọng điểm được khởi công, khánh thành dịp Lễ Quốc khánh
Kinhtedothi – Thiết thực chào mừng Kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2025), tỉnh Cà Mau sẽ khởi công, khánh thành 4 công trình trọng điểm. Đây là những dự án quan trọng, có vai trò trực tiếp tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này.

Bạc Liêu: Người lính Trường Sơn vá xe đạp nuôi con thành Tiến sĩ
Kinhtedothi – Năm 1983, vợ chồng ông cựu chiến binh Nguyễn Văn Oanh gồng gánh vào Nam nhận công tác mới theo diện tăng cường giáo viên cho tỉnh Minh Hải. Cơ cực thời bao cấp làm đủ nghề, nhưng đã nuôi dạy 5 đứa con thành tài, nhiều người là Tiến sỹ khoa học đạt giải tỉnh, quốc gia.