Hai đồng minh "ruột" nao núng trước chính sách thuế từ Mỹ
Kinhtedothi - Nhật Bản và Hàn Quốc, những đồng minh an ninh thân cận nhất của Mỹ tại Châu Á hôm 8/7 đã đối diện với mức thuế đe dọa cao hơn đối với hàng hóa vào Mỹ, trong khi đó Tổng thống Donald Trump cũng gia hạn khung thời gian để thực hiện các thỏa thuận.
Hôm 8/7, ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa từ Nhật Bản và Hàn Quốc, và đánh thuế lên tới 40% đối với hàng nhập khẩu từ 12 quốc gia khác, khi chính quyền tiếp tục đàm phán các thỏa thuận thương mại.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba gọi tuyên bố mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump là "rất đáng tiếc", trong khi chính quyền mới của Hàn Quốc đã tổ chức các cuộc họp khẩn cấp, nhưng tỏ ra biết ơn vì có thêm thời gian đàm phán.

Bảng chỉ báo thị trường chứng khoán ở Tokyo vào hôm 8/7. Ảnh: EPA
Tuy nhiên, thực tế cho thấy khả năng các quốc gia đạt được thỏa thuận thương mại trước thời hạn 9/7 ngày càng trở nên mong manh, thời hạn này do Tổng thống Trump đặt ra khi ông tuyên bố tạm hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày kể từ ngày 2/4. Thậm chí, Tổng thống Mỹ còn chỉ trích Nhật Bản là 'được nuông chiều quá mức' vì không chấp nhận các yêu cầu từ chính quyền của ông.
Trong các bức thư được đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 7/7, ông Trump cho biết nếu Nhật Bản và Hàn Quốc không đạt được thỏa thuận với Mỹ trước thời hạn mới là ngày 1/8, họ sẽ phải đối mặt với mức thuế quan 25%, tăng 1% đối với Nhật Bản và cùng mức thuế đối với Hàn Quốc như mức công bố vào tháng 4.
Nhật Bản và Hàn Quốc, cả hai đều có các thỏa thuận an ninh rộng rãi với Mỹ từ nhiều thập kỷ trước, là hai quốc gia đầu tiên nhận được các thư này.
"Nội dung hoàn toàn không thể chấp nhận được", Itsunori Onodera, Giám đốc chính sách của Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản, cho biết trong một cuộc họp của đảng về đàm phán thuế quan vào ngày 8/7. "Việc thông báo cho một đồng minh quan trọng chỉ bằng một bức thư là cực kỳ thiếu tôn trọng và tôi cảm thấy vô cùng phẫn nộ".
Các cuộc đàm phán với cả hai quốc gia diễn ra chậm hơn kỳ vọng của các quan chức Mỹ, một phần là do những hạn chế chính trị trong nước ở Tokyo và Seoul.
Cuộc bầu cử thượng viện Nhật Bản vào ngày 20/7 có thể đe dọa vị thế thủ tướng của ông Ishiba, hạn chế khả năng của ông trong việc đi đến các thỏa thuận. Ông Ishiba cho biết chính phủ sẽ tiếp tục đàm phán với chính quyền Trump để tìm ra giải pháp nhưng nói thêm rằng vẫn còn những điểm bất đồng giữa các nhóm đàm phán.
"Thật đáng tiếc khi chính phủ Mỹ tuyên bố tăng thuế quan ngoài các mức đã áp dụng", ông Ishiba cho biết trong cuộc họp hôm 8/7 về thuế quan của Mỹ.
Tại Hàn Quốc, nơi đang diễn ra chiến dịch tranh cử tổng thống vào tháng 4 và tháng 5, khi các cuộc đàm phán thương mại bắt đầu, một chính quyền mới đang dần ổn định.
Việc gia hạn ba tuần là một "sự nhẹ nhõm" đối với Tổng thống Lee Jae Myung, vốn thừa nhận vào tuần trước rằng sẽ "khó" để Seoul đạt được một giải pháp trước thời hạn ban đầu.
Tân Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Wi Sung-lac, đã gặp Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio hôm 7/7 để thảo luận về thuế quan và hội nghị thượng đỉnh tiềm năng giữa các nhà lãnh đạo của hai quốc gia, văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết vào ngày 8/7.
"Các cuộc đàm phán đang tiến tới một giai đoạn rất quan trọng", Wi trao đổi với báo giới khi đến Washington. "Mỹ đang cố gắng đưa ra phán đoán của riêng họ và chúng tôi cũng phải phản ứng với điều đó, cũng như đưa ra quan điểm riêng".
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Yeo Han-koo, người đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer vào cuối tuần trước, khẳng định với báo giới rằng hai bên đang tăng cường thảo luận về kinh tế và an ninh.
Các nhà phân tích cho biết thực tế là ông Trump đã nhắm mục tiêu vào các ngành công nghiệp quan trọng ở cả hai quốc gia - bao gồm ô tô, thép và nhôm - đã khiến việc đưa ra những nhượng bộ lớn trở nên khó khăn hơn trong thời điểm này.
Tokuko Shironitta, Giám đốc quốc gia Nhật Bản tại hãng tư vấn Asia Group cho biết các cuộc đàm phán về thuế quan là các thỏa thuận kinh tế nhưng có thể có tác động lớn hơn đến sự ổn định của liên minh.
“Đây cũng là vấn đề về lòng tin, và toàn bộ quá trình đàm phán này được cho là quá trình xây dựng lòng tin và sự tin tưởng lẫn nhau”, chuyên gia này cho biết.

Dệt may bứt tốc giữa “bão thuế” và thị trường khó lường
Kinhtedothi - Bất chấp xung đột leo thang và chính sách thuế đối ứng từ Mỹ phủ bóng toàn cầu, ngành dệt may Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng: kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đạt gần 18 tỷ USD, doanh thu VINATEX ước đạt 9.000 tỷ đồng. Những “chiến dịch thần tốc”, tư duy chủ động và tinh thần tự lực – tự cường đang giúp doanh nghiệp giữ vững mạch đơn hàng, vượt bão thuế và biến động khó lường trong nửa cuối năm.

Đối tác Mỹ gấp rút ứng phó thuế mới, thị trường toàn cầu biến động
Kinhtedothi - Các nước đối tác thương mại của Mỹ đang tích cực thúc đẩy các kênh đối thoại và ngoại giao sau khi Washington công bố kế hoạch áp thuế mới đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu.

Mỹ kích hoạt làn sóng thuế mới, thế giới hồi hộp chờ 1/8
Kinhtedothi - Ngày 1/8 đang trở thành thời điểm quyết định khi Mỹ khởi động lại chính sách thuế quan diện rộng với nhiều quốc gia.