Hải Dương: Dự tính sản lượng vải Thanh Hà đạt khoảng 40 nghìn tấn

Hải Yến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nhằm tăng cường, đa dạng hóa các hoạt động để quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm vải thiều Thanh Hà. Chiều 26/4, UBND huyện Thanh Hà tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà năm 2023.

Thanh Hà là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai màu mỡ. Sự kết hợp giữa tinh hoa của đất trời với bàn tay, sự sáng tạo của người nông dân, tất cả được hòa quyện để tạo nên những sản phẩm truyền thống mang đậm bản sắc lịch sử, văn hóa xứ Đông, trong đó có vải thiều Thanh Hà. Với lịch sử hơn 150 năm, vải thiều Thanh Hà đã trở thành sản vật nức tiếng của địa phương.

Vải thiều Thanh Hà năm 2022.
Vải thiều Thanh Hà năm 2022.

Vải thiều Thanh Hà đã được nhận nhiều danh hiệu uy tín như: “Top 10 sản phẩm uy tín chất lượng” và là đặc sản “Tinh hoa đặc sản 3 miền”; giải thưởng “Thương hiệu vàng”; chứng nhận “Thương hiệu Thực phẩm an toàn tin dùng”;  top 10 Thương hiệu Nhãn hiệu nổi tiếng do Liên Hiệp khoa học Doanh nhân Việt Nam và Tạp chí Sở hữu trí tuệ và sáng tạo bình chọn. Được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học & công nghệ Việt Nam cấp bằng Bảo hộ chỉ dẫn địa lý số 0009 ngày 25/5/2007.

Vải thiều Thanh Hà là nông sản duy nhất của tỉnh Hải Dương nằm trong 39 sản phẩm của Việt Nam được bảo hộ độc quyền chỉ dẫn địa lý tại thị trường các nước EU; là sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao (cấp Quốc gia).

Đến nay, huyện Thanh Hà có 3.265 ha vải, 100% diện tích vải sản xuất theo hướng an toàn. Vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu, Australia... và dần chinh phục được thị hiếu của người tiêu dùng các quốc gia này với sản lượng xuất khẩu tăng dần theo từng năm. Bên cạnh đó, trong những năm qua vườn vải đã thu hút hàng chục nghìn du khách đến trải nghiệm, là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp.

Dự tính sản lượng vải Thanh Hà đạt khoảng 40 nghìn tấn.
Dự tính sản lượng vải Thanh Hà đạt khoảng 40 nghìn tấn.

Phát biểu tại hội nghị Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Vũ Việt Anh: “Hội nghị nhằm thúc đẩy và nâng cao hiệu quả quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử, giá trị sản phẩm vải thiều để tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn, thương hiệu. Qua đó thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thu hút các doanh nghiệp để tăng cường hợp tác, đầu tư, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, từng bước giúp các HTX, doanh nghiệp địa bàn chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Vũ Việt Anh phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Vũ Việt Anh phát biểu tại hội nghị.

Thời tiết vụ Đông xuân 2022-2023 khá thuận lợi, hanh khô, có rét đậm kéo dài nên tỷ lệ vải ra hoa, đậu quả cao, đạt trên 95%. Hiện tại, vải U trứng đang quả non đến bắt đầu làm cùi; vải U hồng, U thâm, tàu lai, thiều chính vụ đang giai đoạn quả non. Dự tính sản lượng đạt khoảng 40 nghìn tấn (vải sớm 25 nghìn tấn, vải chính vụ 15 nghìn tấn), tương đương với sản lượng vải niên vụ 2021-2022. Trong đó có khoảng 4.000 - 5.000 tấn đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Dự kiến vào khoảng giữa tháng 6/2023 khả năng sẽ có cả 3 giống vải cùng cho thu hoạch: U hồng, Tàu lai, vải thiều chính vụ. Do đó sản lượng thu hoạch lớn, dồn dập có khả năng sẽ tạo áp lực lớn trong việc tiêu thụ vải.

Huyện Thanh Hà sẽ tiếp tục duy trì các mã số vùng trồng; đồng thời hoàn thiện các quy định để duy trì 11 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp và đăng ký cấp mới mã số cơ sở đóng gói, đảm bảo đủ điều kiện để xuất khẩu vải sang thị trường Trung Quốc.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần