Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hải Dương: Lễ hội thu hoạch hành, tỏi tại thị xã Kinh Môn

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/1, lễ hội thu hoạch hành, tỏi năm 2024 được tổ chức tại xã Hiệp Hòa (thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) với sự tham dự của 300 đại biểu gồm lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng các Sở, ngành liên quan.

Trong những năm gần đây, nông nghiệp Hải Dương đã hình thành những vùng sản xuất rau màu tập trung, có thị trường tiêu thụ ổn định, giá trị kinh tế cao như: vùng hành, tỏi Kinh Môn, Nam Sách; vùng cà rốt Cẩm Giàng, Nam Sách; vùng rau su hào, bắp cải, súp lơ Gia Lộc, Tứ Kỳ, Kim Thành.

Các vùng sản xuất tập trung đã cung cấp một lượng lớn sản phẩm nông nghiệp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, tỉnh còn có các vùng cây ăn quả đặc sản phát huy thế mạnh theo lợi thế vùng như vùng vải Thanh Hà, Chí Linh, vùng ổi Thanh Hà, Ninh Giang, Kinh Môn; vùng na Chí Linh; vùng chuối Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kinh Môn...

Cánh đồng hành, tỏi tại thị xã Kinh Môn, Hải Dương. Ảnh Vĩnh Quân
Cánh đồng hành, tỏi tại thị xã Kinh Môn, Hải Dương. Ảnh Vĩnh Quân

Toàn tỉnh Hải Dương hiện nay có hơn 6.500 ha hành, tỏi. Trong đó, thị xã Kinh Môn dẫn đầu tỉnh về diện tích trồng với gần 4.000 ha. Vùng hành, tỏi Kinh Môn được ví như “thủ phủ” hành, tỏi của cả nước, được sản xuất tập trung quy mô lớn trên vùng đất phù sa ven sông Kinh Thầy và sông Kinh Môn.

Tất cả 23/23 xã phường của thị xã đều sản xuất được cây hành, tỏi. Sản lượng hàng năm đạt trên 100 nghìn tấn, giá trị kinh tế đạt trên 1.700 tỷ đồng/năm.

Năm 2017, hành, tỏi Kinh Môn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận “nhãn hiệu tập thể”. Sản phẩm này được bán phổ biến tại cả các chợ truyền thống, siêu thị và sàn thương mại điện tử.

Năm 2018 hành, tỏi Kinh Môn là sản phẩm thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam. Vùng hành, tỏi được trồng trên vùng đất bán sơn địa của dãy núi An Phụ, được bồi đắp phù sa màu mỡ của sông Kinh Thầy và sông Kinh Môn, khí hậu thích hợp, người nông dân giàu kinh nghiệm từ khâu chọn giống, chăm sóc và bảo quản, vì vậy hành, tỏi Kinh Môn được đánh giá cao về chất lượng. Hành, tỏi có củ to, chắc, hương vị thơm cay đặc biệt, khó nơi nào sánh kịp.

Sản xuất hành tỏi ở thị xã Kinh Môn đã phát triển thành chuỗi giá trị sản phẩm, từ khâu giống, gieo trồng, chế biến, vận chuyển và thực hiện hậu cần xuất khẩu... và thực hiện theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Sản phẩm hành, tỏi đạt các tiêu chuẩn của nhiều thị trường lớn, khó tính nhất.

Cây hành, tỏi đã thúc đẩy phát triển nhiều ngành khác như: sơ chế sản phẩm thô, chế biến sâu; đặc biệt là đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, OCOP nâng cao giá trị.

Phát biểu tại lễ thu hoạch, ông Trần Đức Thắng – Bí thư tỉnh Hải Dương cho biết: Với chủ đề “Hành, tỏi Kinh Môn-Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”, Lễ hội thu hoạch hành tỏi thị xã Kinh Môn năm 2024 được kỳ vọng không chỉ mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị, mà còn nhằm cổ vũ, động viên và ghi nhận sự đóng góp của ngành sản xuất nông nghiệp trong nền kinh tế của địa phương và khu vực;

Bên cạnh đó, giới thiệu và tôn vinh hình ảnh, sản phẩm, khẳng định giá trị, nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu hành, tỏi tỉnh Hải Dương nói chung và Kinh Môn nói riêng; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nông dân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin thị trường, khoa học kỹ thuật và thiết bị công nghệ ứng dụng trong ngành sản xuât nông nghiệp.

Kinh Môn Hải Dương thủ phủ của hành, tỏi. Ảnh Vĩnh Quân
Kinh Môn Hải Dương thủ phủ của hành, tỏi. Ảnh Vĩnh Quân

Riêng đối với người dân thị xã Kinh Môn, Lễ hội thu hoạch hành tỏi là sự kiện được mọi người, chờ đón, với kỳ vọng “nâng tầm giá trị” góp phần vào niềm tự hào về hình ảnh của con người, quê hương Kinh Môn, Hải Dương.

Cây hành, tỏi của thị xã Kinh Môn vượt trội so với các địa phương khác về độ cay, thơm, giá trị dinh dưỡng; là gia vị thiết yếu trong căn bếp của nhiều gia đình Việt, được chế biến thành các sản phẩm hành chiên, sấy khô; tỏi mật, rượu tỏi, được xuất khẩu đi các nước Nhật Bản, Châu Âu, Thái Lan, Malaysia…

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp của Hải Dương năm 2023 gần 4,1%, cao hơn bình quân cả nước, đứng thứ 3 vùng đồng bằng sông Hồng. Sản xuất lúa dù giảm diện tích gieo cấy 1,3% so với năm 2022 nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực và cung ứng ra ngoài tỉnh.

Sản xuất rau màu 3 vụ hơn 31.000 ha với sản lượng khoảng 816.000 tấn, tiêu thụ ra ngoài tỉnh và xuất khẩu chiếm 70%. Riêng sản xuất vụ đông của tỉnh mang lại giá trị cao, gấp 2,2 lần trung bình các tỉnh, thành phố phía bắc và đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng. Tỉnh xây dựng nhiều vùng chuyên canh chủ lực với quy mô lớn như hành, tỏi, cà rốt, ổi, vải… Toàn tỉnh có 732 trang trại chăn nuôi, trong đó có 521 cơ sở đáp ứng tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch....