Hải Dương: Nghiêm cấm hành vi thả diều gây nguy hiểm

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thả diều tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm cho ngành điện khi có sự cố xảy ra. Công an tỉnh Hải Dương khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức tránh hậu hoạ đáng tiếc.

Theo Công an tỉnh Hải Dương, mùa hè đến, tình trạng người dân đặc biệt là học sinh thả diều ngày càng nhiều. Việc thả diều nếu diễn ra ở gần đường dây điện, trạm biến áp sẽ tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa khôn lường. Có thể gây tai nạn về điện cho người thả diều và gây sự cố lưới điện làm ảnh hưởng đến việc cung cấp điện, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn, cá biệt có trường hợp khi chọc gỡ diều xuống đã bị phóng điện gây tử vong.

Vào ngày 27/4/2023, tại khoảng cột 63 đến cột giàn trạm biến áp Bơm Hòa Loan thuộc đường dây 35kV lộ 373E8.14, địa bàn xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện xảy ra trường hợp người dân thả diều mắc vào đường dây điện làm mất điện. Trong thời gian gần 30 phút, toàn bộ gần 2.0745 khách hàng trên diện rộng tại địa bàn các xã: Lam Sơn, Đoàn Tùng, Thanh Tùng và 1 phần huyện Bình Giang bị mất điện. Điện lực Thanh Miện đã phối hợp với Công an xã Thanh Tùng xác minh làm rõ hành vi của hai em học sinh Nguyễn Văn V, sinh năm 2009 và em Vũ Đình T. A, sinh năm 2010. (đều là học sinh trường THCS Thanh Tùng) thả diều mắc vào đường dây điện…

Hình ảnh diều mắc lưới điện. Ảnh minh hoạ
Hình ảnh diều mắc lưới điện. Ảnh minh hoạ

Công an tỉnh Hải Dương cho biết, theo quy định tại khoản 3 điều 4 Nghị định 14/2014/NĐ-CP, ngày 26/02/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật điện lực về an toàn điện: Hành vi “Thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện” là hành vi bị nghiêm cấm. Theo quy định tại điểm d khoản 2 điều 15 Nghị định 17/2022/NĐ-CP, ngày 31/01/2022 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí thì với hành vi “Thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện” bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Trường hợp nếu vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện theo quy định tại Điều 314 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 116 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) thì có thể cấu thành tội phạm hình sự.

Để tránh những tai nạn điện, hạn chế sự cố lưới điện. Đề nghị các cấp, các ngành cần tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân, nhất là các em học sinh về sự nguy hiểm khi thả diều gần đường dây dẫn điện cao áp gây nguy hiểm tính mạng, thiệt hại về kinh tế. Nghiêm cấm việc thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp trong phạm vi 500m để ngăn chặn sự cố lưới điện và các tai nạn điện do diều, vật bay gây ra, Công an tỉnh Hải Dương khuyến cáo.