Trong cùng một thôn, xóm có nhiều những hình thái kiến trúc nhà ở khác nhau, có cái mang đậm chất kiến trúc truyền thống nhưng cũng có cái mang hình dáng đô thị, thậm chí phảng phất cả nét kiến trúc của nước ngoài, tùy thuộc vào sở thích và điều kiện kinh tế của gia chủ. Tất cả tạo nên một diện mạo khá xô bồ, hỗn tạp đối với kiến trúc nhà ở các vùng nông thôn nước ta.
Có hai chiều hướng cơ bản dẫn tới sự thay đổi không gian kiến trúc nhà ở nông thôn. Nguyên nhân thứ nhất, do vận động theo quy luật phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân ngay trong nội tại nông thôn như chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh tế nông nghiệp, nông thôn; dân số tăng dẫn đến nhu cầu nhà ở phát triển (trong khi đất ở ngày càng bị thu hẹp, diện tích phân cho mỗi lô đất chỉ còn bình quân 100m2/hộ dân), nhu cầu sử dụng tiện nghi trong không gian nhà ở cũng đổi thay... Chúng ta cũng nên đón nhận những thay đổi không gian nhà ở như là một cơ sở thể sống, tự vận động, tự phát triển theo quy luật vận động xã hội.
Nguyên nhân thứ hai dẫn tới sự thay đổi không gian kiến trúc nhà ở nông thôn là do tác động của đô thị hóa, nhưng là đô thị hóa một cách "cưỡng bức", tức là chưa đủ điều kiện để trở thành môi trường sống kiểu đô thị, song vẫn bắt phải thay đổi, từ đường làng nâng cấp lên thành “đường phố”, ngõ xóm thành “ngõ, hẻm, ngách phố” nên dẫn tới nảy sinh nhiều bất cập...
Trong các làng quê, kể cả khi đã đô thị hóa mà chúng ta để đánh mất đi những hình ảnh thân quen, những tinh thần nơi chốn, những giá trị truyền thống, di sản cảnh quan kiến trúc như cây đa, bến nước, sân đình… quả là một điều đáng tiếc. Nếu phát triển quá nhanh, vội vã, không quan tâm đến gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống, đồng nghĩa chúng ta cũng sẽ mất đi nhiều ngàn năm lịch sử. Và ngay chính trong tâm khảm mỗi người dân trong làng cũng không ai muốn phá bỏ những không gian này.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn là một chủ trương rất đúng đắn, nhằm mục đích nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Tuy nhiên, sự vận hành những chủ trương ấy đòi hỏi sự nhận thức đúng đắn của các ngành, các cấp chính quyền. Quá trình xây dựng phát triển nông thôn mới cần phải có cái nhìn rộng một chút, không nên phát triển theo hướng cơ học, trong đó phải giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa “cái cũ” và “cái mới”.
Chúng ta không nên chỉ ngồi ở văn phòng điều hòa, máy lạnh để xây dựng văn bản quản lý, lập dự án thiết kế, quy hoạch xây dựng nông thôn mới mà nên về ăn, ở sinh hoạt cùng với người dân, để cảm nhận được hơi thở, tình cảm, giá trị chân thành của nông thôn thì chúng ta mới có thể mang đến cho nông thôn những sản phẩm kiến trúc có giá trị được.
Trên thế giới, ở nhiều nước phát triển công nghiệp nhưng họ vẫn lưu giữ, bảo tồn được các ngôi làng truyền thống. Đường làng có thể được mở rộng cho máy móc nông nghiệp đi lại, ngôi nhà được sửa chữa hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được nét văn hóa kiến trúc truyền thống và không gian sinh hoạt cộng đồng vẫn được lưu giữ, kế thừa và phát huy các giá trị vốn có. Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính có rất nhiều ngôi làng truyền thống, làng nghề truyền thống và công trình di sản văn hóa kiến trúc, lịch sử. Do đó TP cần có định hướng lựa chọn, bảo tồn làng truyền thống gắn với phát triển du lịch sinh thái, làng nghề.