Hai mặt của xuất siêu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính từ đầu năm đến ngày 15/3, Việt Nam đã xuất siêu, ngược chiều với nhập siêu của cùng kỳ năm trước (xuất siêu 932 triệu USD so với nhập siêu 1.896 triệu USD).

Tuy nhiên, xuất siêu trong điều kiện hiện nay lại có tính hai mặt.

Nỗ lực từ nhiều ngành hàng

Nhìn tổng quát, xuất/nhập siêu thể hiện vị thế của Việt Nam trong quan hệ buôn bán hàng hóa với nước ngoài. Trong mục tiêu tổng quát là ổn định kinh tế vĩ mô, thì cán cân thương mại hàng hóa là một nội dung quan trọng hàng đầu vì tác động đến cán cân thanh toán quốc tế, đến dự trữ ngoại hối, đến sự ổn định của tỷ giá. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tính từ đầu năm đến ngày 15/3 so với cùng kỳ năm trước đã cao hơn con số tương ứng của 2 tháng (tăng 5,7% so với 3%). Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước so với cùng kỳ năm trước nếu của kỳ 2 tháng còn giảm 0,6%, thì tính đến ngày 15/3 năm nay đã tăng 3,4%, chứng tỏ khu vực kinh tế trong nước đã có cố gắng bước đầu. Tốc độ tăng kim ngạch của một số mặt hàng đạt khá, như: Rau quả tăng 54,4%, gạo tăng 70,4%, hạt điều tăng 10,5%, cà phê tăng 5,6%, thủy sản tăng 7,3%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 18%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 16,4%...
Hai mặt của xuất siêu - Ảnh 1
Theo báo cáo của các địa phương, mới qua 2 tháng đã có 16 tỉnh/thành đạt kim ngạch xuất khẩu trên 200 triệu USD, trong đó có 6 địa phương đạt trên 1 tỷ USD (TP Hồ Chí Minh: 4,3 tỷ USD, Bắc Ninh: 3,13 tỷ USD, Thái Nguyên: 2,61 tỷ USD, Bình Dương: 2,6 tỷ USD, Đồng Nai: 2,1 tỷ USD, Hà Nội: 1,43 tỷ USD). Sau 2 tháng đã có 27 thị trường đạt trên 200 triệu USD, trong đó có 4 thị trường đạt trên 1 tỷ USD (Mỹ: 5,03 tỷ USD, Trung Quốc: 2,44 tỷ USD, Nhật Bản: 2,04 tỷ USD, Hàn Quốc: 1,47 tỷ USD). Có 17 thị trường xuất siêu lớn (trên 100 triệu USD) là Mỹ: 3,985 tỷ USD, Hà Lan: 731 triệu USD, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất: 731 triệu USD… Trong khi một số thị trường nhập siêu đã giảm, như Trung Quốc (4,099 tỷ USD so với 5,23 tỷ USD), Hàn Quốc (2,692 tỷ USD so với 2,948 tỷ USD, Đài Loan - Trung Quốc (1,241 tỷ USD so với 1,334 tỷ USD)...

Mối lo nhập khẩu nguyên liệu giảm

Xuất siêu không phải do xuất khẩu tăng cao, mà do xuất khẩu tăng thấp so với tốc độ tăng của cùng kỳ năm trước (5,7% so với 8,4%) và do nhập khẩu giảm (3,2%). Xuất khẩu tăng thấp do một số mặt hàng có kim ngạch bị giảm, như dầu thô giảm 59,7%, phân bón giảm 43,3%, sắn và sản phẩm của sắn giảm 22,3%, hóa chất giảm 15,1%, sắt thép các loại giảm 14,2%... Một số mặt hàng tăng chậm lại, như dệt may; máy vi tính, sản phẩm điện tử; phương tiện vận tải và phụ tùng... Nhập khẩu giảm diễn ra ở cả 2 khu vực (khu vực kinh tế trong nước giảm 3,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm 4,3%). Theo thị trường, trong tổng số 85 thị trường chủ yếu, có 41 thị trường có lượng xuất khẩu bị giảm, trong đó có một số thị trường có kim ngạch lớn, như Ấn Độ, Áo, Brazil, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Nga, Autralia... Nhập khẩu giảm do một số mặt hàng giảm, như xăng dầu, khí đốt hóa lỏng, sản phẩm khác từ dầu mỏ, hóa chất, phân bón, phế liệu sắt thép, sản phẩm từ sắt thép, gỗ và sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt, điện thoại... Trong các mặt hàng kim ngạch giảm có những mặt hàng là nguyên nhiên phụ liệu phục vụ cho sản xuất nói chung và sản xuất sản phẩm xuất khẩu nói riêng.

Từ những phân tích trên cho thấy, mặc dù ghi nhận mức xuất siêu nhưng có thể dẫn đến sự thiếu bền vững và nếu không linh hoạt các giải pháp, cán cân thương mại hoàn toàn có thể thay đổi khi nhập khẩu tăng mạnh trở lại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần