Hai năm thực hiện Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT: Nhiều tiêu chí không phù hợp thực tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 2 năm thực hiện Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT (TT30) về đánh giá học sinh (HS) tiểu học, các nhà trường càng nhận rõ những bất cập, đặc biệt trong thời điểm tổng kết cuối năm học này.

Chỉ thích hợp với lớp 30 học sinh

Thời điểm này, hầu hết các trường tiểu học ở Hà Nội đã hoàn thành chương trình khung của Bộ GD&ĐT, đang trong quá trình nhận xét, làm học bạ, chuẩn bị tổng kết năm học. Trao đổi với lãnh đạo, giáo viên (GV) một số trường xung quanh việc đánh giá, nhận xét HS theo TT30, nhiều ý kiến ghi nhận những ưu điểm mà TT30 mang lại. Đó là HS không bị áp lực về điểm số, tự tin hơn trong học tập. “Con thích cô giáo nhận xét để con biết được những điểm yếu của mình để phấn đấu trong học tập” – Hà Mạnh Sơn - HS lớp 4, trường Tiểu học Kim Liên chia sẻ.
Học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa trong giờ học. Ảnh: Phạm Hùng
Học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa trong giờ học. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy nhiên, về phía nhà trường, việc đánh giá HS khá vất vả. Bà Đào Thị Thủy – Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm khẳng định, việc nhận xét gặp nhiều khó khăn. “Nếu đánh giá bằng điểm số, ví dụ: Tôi kiểm tra một khối lớp, chẳng hạn 20 lớp, tôi chỉ cần xem 20 trang giấy, biết được chất lượng HS thế nào. Nhưng bây giờ để kiểm soát một khối lớp khoảng 600 HS, tôi phải đọc 600 tờ giấy để biết cô diễn đạt thế nào, chất lượng HS ra sao” – bà Thủy bày tỏ.

Khảo sát thực tế 600 GV, cán bộ quản lý của trên 30 trường ở một số tỉnh, TP của Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam cũng cho thấy, điều kiện thực hiện TT30 rất khó khăn: Sĩ số HS đông; GV khó khăn trong nhận xét, khen thưởng HS; mất quá nhiều thời gian nhận xét... Bà Nguyễn Thu Thủy - GV trường Tiểu học Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho rằng, lớp học quá đông, tới trên 50 HS/lớp, thậm chí có những trường, sĩ số tới 60 HS/lớp, gây khó khăn cho GV. Để thực hiện tốt TT30, Bộ GD&ĐT cần xây dựng lại cách đánh giá; biên chế sĩ số HS không quá 30 HS/lớp để GV đỡ vất vả, tập trung tốt cho việc dạy – học.

Ghi học bạ một lần vào cuối năm

Ngoài những khó khăn trong đánh giá vì sĩ số HS/lớp đông, nhiều GV còn thừa nhận, việc nhận xét đối với GV chủ nhiệm đã vất vả, nhưng đối với GV bộ môn (nhạc, họa, thể dục) còn vất vả gấp nhiều lần. Dó đó, việc ghi sổ sách cần được đơn giản hóa.

Bà Thủy cho rằng: Sâu xa của việc thực hiện TT30 là GV ghi, theo dõi sát, nắm vững từng HS yếu, mạnh điểm nào. Tuy nhiên, GV mất nhiều thời gian cho nhận xét, không tập trung được nhiều thời gian đầu tư cho việc dạy – học. Để TT30 đi vào thực tiễn, chỉ phù hợp với sĩ số không quá 30 - 35 HS/lớp. Ngoài ra, việc ghi chép, nhận xét chỉ hướng vào mặt mạnh, yếu của HS, không đánh giá tràn làn, chung chung. Bên cạnh đó, đơn giản hệ thống sổ sách của GV, đảm bảo tiện dụng, dễ theo dõi... Đặc biệt, chỉ nên ghi và làm sổ học bạ mỗi năm một lần vào cuối năm học (hiện kỳ 1 làm sổ học bạ, kỳ 2 cũng làm sổ học bạ) sẽ hợp lý hơn. Hơn nữa, trước khi Bộ GD&ĐT đưa chương trình mới vào thực hiện năm 2018, mong có những thí điểm cụ thể để GV dễ thực hiện.

Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia giáo dục - GS.TSKH Nguyễn Hữu Tăng khẳng định: "Đổi mới phương pháp đánh giá là cần thiết. Tuy nhiên, thay đổi cần phải từng bước, nơi nào có điều kiện thì làm trước, nơi nào chưa có điều kiện thì làm sau. Giáo dục là vấn đề rất nhạy cảm, đụng tới từng gia đình, từng thành viên trong xã hội, cho nên khi nhìn nhận điều gì phải rất thận trọng để khi thực hiện, cố gắng không phải điều chỉnh". Đa số các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục và GV nhận định, chủ trương của TT30 là đúng, song cần khắc phục, điều chỉnh cho phù hợp thực tế hơn. Như ông Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ GD&ĐT, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo T.Ư bày tỏ quan điểm: “Để TT30 thật sự hiệu quả, trước hết phải giảm được số lượng HS/lớp. Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để trợ giúp cho nền giáo dục. Cùng với việc có một số điều chỉnh để TT30 gắn với thực tế sẽ tạo được sự đồng thuận thực hiện tốt hơn”.
Sáng 23/5, Sở GD&ĐT đã có văn bản gửi phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã và các nhà trường yêu cầu báo cáo việc thực hiện TT30. Trong đó, phải nêu được thuận lợi, khó khăn, vướng mắc với GV, cán bộ quản lý, HS, cha mẹ HS; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với từng đối tượng. Nội dung đánh giá cũng cần nêu kết quả đạt được (ưu điểm, nhược điểm), nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cũng như các kiến nghị, đề xuất và giải pháp thực hiện tiếp theo để TT30 đạt hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần