Điều đáng nói: không chỉ những diễn viên nghiệp dư làm tiểu phẩm hài nhảm mà còn có một số nghệ sĩ có tên tuổi tham gia. Do đó, hài hay hay dở, có tính giáo dục hay không, có tính nghệ thuật hay không sẽ bị “vàng thau lẫn lộn”.
Người xem, nhất là giới trẻ, không phân biệt được nội dung nào là lành mạnh, cái nào là nhảm nhí. Lâu dần lối sống của người xem sẽ bị ảnh hưởng, xem việc trêu chọc phụ nữ, ăn nói linh tinh, thô tục… là chuyện bình thường.
Mới đây, một phụ huynh kể: “Tôi hoảng hồn khi bắt gặp con mình xem một tiểu phẩm hài có một nghệ sĩ đang ăn khách tham gia diễn. Câu chuyện là diễn viên này đóng vai ông nội lại đòi có cử chỉ này nọ với con dâu, vì theo ông ta, con trai cũng làm vậy với vợ của mình, tức mẹ của nó từ lúc mới ra đời”.
Tình huống thì gây cười, nhưng hết sức phản cảm. Nhiều khán giả bình luận: “Thô tục, nhảm nhí hết sức!”.
Rất nhiều tiểu phẩm tương tự như vậy có trên TikTok, Facebook… Thậm chí, có tiểu phẩm còn nói những lời hết sức thô tục mà ngay cả người lớn tuổi nghe cũng ngượng.
Những chuyện cười Việt Nam rất ý nhị, tục mà thanh, thanh mà tục. Do đó, truyện cười mang nhiều ý nghĩa xã hội, trong đó có chức năng giáo dục và thư giãn cho người kể và người nghe (sau này là đọc). Nhưng như các tiểu phẩm hài nhảm hiện nhan nhản trên mạng xã hội, người xem và nghe sẽ bị nhiễm độc về tâm hồn.
Điều đáng nói, với người xem là trẻ nhỏ, sự nhiễm độc này là không được chủ thể nhận biết và không hề có sự phòng vệ nào. Câu chuyện là, từ “học hỏi” trên mạng xã hội, trẻ em sẽ áp dụng ra ngoài đời sống thực một cách vô ý thức.
Như vậy, công lao dạy dỗ của cha mẹ, thầy cô với con trẻ sẽ “tự nhiên” bị giảm đi.
Làm thế nào để hài nhảm bớt xuất hiện trên mạng xã hội? Đây là câu hỏi trước hết đặt ra với các nhà mạng. Có phải vì để câu khách, thu hút người tham gia mạng, mạng xã hội đã cho đăng tải những điều nhảm nhí nhưng hấp dẫn?
Nếu nhà mạng không tự tiết chế các điều nhảm nhí, cơ quan chức năng nên quyết liệt vào cuộc, không cần phân định thế nào là nhảm, thế nào là lành mạnh, vì nội hàm văn hóa - đạo đức đã được xã hội quy ước từ hàng trăm, hàng nghìn năm nay.
Thêm nữa, các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhất là những người đã có tên tuổi, không nên vì điều gì đó (nổi tiếng, tiền bạc) mà tham gia đóng hài nhảm, thậm chí là trụ cột dẫn dắt xu hướng tệ hại này. Giới nghệ sĩ chân chính cũng nên lên tiếng phản đối hiện tượng này.
Cuối cùng, gia đình vẫn là “pháo đài” để bảo vệ con trẻ. Cha mẹ nên nhắc nhở, cảnh báo thường xuyên con cái về những điều nhảm nhí trên mạng, hướng chúng vào những hình thức giải trí lành mạnh, phù hợp. Cha mẹ nên đầu tư cho con đọc sách, học chơi đàn, chơi thể dục, thể thao…
Đẩy lùi hài nhảm là khó nhưng không là không thể. Mong rằng, với sự chung tay của mọi người, hài nhảm sẽ giảm thiểu, trẻ em sẽ được sống trong môi trường mạng lành mạnh hơn.