Hải Phòng: cảnh giác với lời mời “việc nhẹ lương cao”
Kinhtedothi - Gần đây những lời chào “có cánh” như “việc nhẹ lương cao tại Camphchia”, “biết sử dụng máy tính nhận lương chục triệu”… khiến nhiều nguời đang gặp khó khăn về tài chính bắt đầu một hành trình mới với hy vọng đổi đời.
Theo cơ quan Công an, người dân chỉ cần dùng điện thoại cá nhân hoặc laptop để đăng nhập vào mạng xã hội Facebook, không khó bắt gặp hàng loạt bài đăng của nhiều môi giới việc làm đang chào mời những mức lương hấp dẫn khi làm việc tại Campuchia. Công việc là gì thì chưa rõ nhưng đập ngay vào mắt là mức lương lên đến hàng nghìn USD, văn phòng làm việc sang trọng với yêu cầu công việc cực kỳ đơn giản… chỉ cần biết sử dụng máy tính.
Cũng từ đây, nhiều người đang thất nghiệp hay những người đang nợ nần, thậm chí là những bạn trẻ đang có công việc ổn định nhưng vì thấy mức lương được chào mời cao hơn nhiều so với hiện tại nên các cuộc gặp gỡ được hình thành. Sau cái gật đầu từ những lời dụ dỗ việc nhẹ lương cao, một hành trình của tổ chức đưa người qua Campuchia bằng đường bất hợp pháp bắt đầu.

Khi đặt chân đến vùng đất mới, các lao động ngỡ ngàng khi đã bước vào đặc khu kinh tế trên lãnh thổ Campuchia. Tại đây, trái với sự nhẹ nhàng lúc chào mời, những lời dọa nạt, quát tháo đã khiến các nạn nhân hiểu ra rằng, bản thân đã bị bán vào các cơ sở, tổ chức hoạt động lừa đảo như: đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo… trên không gian mạng. Các công ty này hầu hết do nhóm cầm đầu người nước ngoài thuê để thực hiện hành vi phạm tội.
Trong quá trình làm việc, nạn nhân được quản lý, giám sát chặt chẽ, không được di chuyển và gần như ngưng liên lạc với gia đình và thế giới bên ngoài, bị cưỡng ép làm việc từ 12-16 tiếng/ngày. Điều đáng nói, các lao động khi không thực hiện đạt yêu cầu của nhóm cầm đầu thì sẽ bị nhốt, đánh đập, tra tấn, bỏ đói và yêu cầu gọi điện thoại về cho người thân nộp tiền “chuộc” với mức giá từ 3.000 - 20.000USD thông qua tài khoản ngân hàng do chúng cung cấp mới cho về nước. Nhiều trường hợp gia đình đã chuyển tiền lại tiếp tục bị yêu cầu đòi tiền chuộc. Sau nhiều lần chuyển tiền thành công, thông tin nạn nhân vẫn “bặt vô âm tín”. Có trường hợp bỏ trốn khi gia đình chưa có tiền chuộc, sau khi bị bắt được, nạn nhân bị hành hạ, đánh đập thậm chí tử vong trên “đất khách, quê người”.
Có thể thấy, phương thức của các đối tượng này thường hình thành từ đường dây phạm tội có tổ chức, thực hiện tại Việt Nam và Campuchia, được chia thành từng khâu công việc khác nhau từ chào mời, đưa đón và đánh đập, mua bán người. Dù thủ đoạn đã cũ nhưng nạn nhân đều rất mới, bởi tâm lý muốn có việc làm dễ dàng nhưng lương phải cao nên rất nhiều nạn nhân đã lần lượt sập bẫy của các đối tượng. Điều này đã gây ra nhiều hệ lụy, hậu quả to lớn đối với đời sống của những người trốn đi nước ngoài và gia đình của họ.
Công an TP Hải Phòng cảnh báo khi xác định nhận lời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài, cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc tại đó, nên tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi quyết định xuất cảnh.
Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, người dân cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.

Quảng Ninh: cảnh giác thủ đoạn lợi dụng miễn học phí để lừa đảo
Kinhtedothi - Công an tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác với phương thức, thủ đoạn lợi dụng thông tin miễn học phí để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Cảnh giác “ma trận” quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội
Kinhtedothi - Trong thời đại số, mạng xã hội đem lại nhiều cơ hội phát triển cho các hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, nhiều hệ lụy xảy đến khi tình trạng quảng cáo sai sự thật đang diễn ra tràn lan, khiến người tiêu dùng phải cảnh giác khi mua hàng trên mạng...

Cảnh giác trước thủ đoạn cho vay tiền thế chấp bằng clip, hình ảnh nhạy cảm
Kinhtedothi - Thông tin từ Công an Hà Nội cho biết, thời gian qua, xuất hiện các đối tượng cho vay tiền nhưng yêu cầu khách hàng phải thế chấp clip, hình ảnh nhạy cảm. Đặc biệt xuất hiện tình trạng nhiều thanh, thiếu niên dùng hình ảnh, video clip khỏa thân của cá nhân để thế chấp vay tiền...