Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hải Phòng: Chuẩn bị Lễ hội Đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 3 ngày từ 8 – 10/1/2024 diễn ra lễ hội Đền Trạng Trình - kỷ niệm 438 năm ngày mất Danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt ở thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Khu Di tích Đền thờ Danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2015. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, nhân dịp Kỷ niệm ngày mất của Danh nhân, hằng năm Lễ hội Đền thờ Trạng Trình đã liên tục được tổ chức, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với cán bộ và Nhân dân TP, du khách ở nhiều miền Tổ quốc.

Lễ hội nhằm tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, công lao của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Lễ hội nhằm tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, công lao của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Lễ hội nhằm tiếp tục tuyên truyền, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, công lao của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Qua đó, góp phần giáo dục tình yêu quê hương đất nước, giáo dục truyền thống văn hóa, tinh thần hiếu học cho các thế hệ học sinh, sinh viên và nhân dân, cũng như tỏ lòng tri ân của Nhân dân với Trạng Trình.

Danh nhân văn hóa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - người được suy tôn là “nhà tiên tri”, là tấm gương lớn về hiếu học của thành phố Cảng và đất nước, là người có vai trò và ảnh hưởng chính trị to lớn trong xã hội nước ta thế kỷ XVI.

Khu di tích thờ Danh nhân Văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Khu di tích thờ Danh nhân Văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Dù sống ở thời đại xã hội có nhiều biến động, bằng tài năng thiên bẩm của mình, được các bậc trí thức tiền bối dẫn đường, ông trở thành nhân vật xuất chúng, có vai trò và ảnh hưởng chính trị to lớn trong xã hội Đại Việt thế kỷ XVI.

Từ những di sản ông để lại, từ những nhận định, đánh giá về ông của các chí sĩ đương thời, các học giả thời sau, cho thấy ở Nguyễn Bỉnh Khiêm hội tụ trí tuệ lớn, một nhân cách lớn, một tầm nhìn lớn mà sức ảnh hưởng tư tưởng của ông vượt ra khỏi thời đại ông cho đến hôm nay và mai sau, đó chính là tư tưởng trung với vua, hiếu với dân, làm việc gì cũng lấy dân làm gốc.
Chương trình phần Lễ, bao gồm: Lễ mộc dục, Lễ rước văn, Lễ cáo yết, Lễ dâng hương; Lễ Kỷ niệm 438 năm Ngày mất của Danh nhân; cùng với đó nhiều hoạt động văn hóa thể thao cũng diễn ra như: Khai mạc Giải vật truyền thống, chương trình thơ – nhạc về Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, hát Văn, hát Xẩm, hát Chèo Kéo co, Liên hoan văn nghệ các làng văn hóa, Trò chơi dân gian, Giải đua thuyền, Giải pháo đất…

Lễ hội là dịp để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, nâng cao vị thế khu di tích; thúc đẩy đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; giáo dục truyền thống và tinh thần hiếu học cho các thế hệ; nhất là tuyên truyền về tiềm năng, thế mạnh và những giá trị văn hóa truyền thống của di tích. Đây cũng là nét văn hóa đẹp, là niềm tự hào của nhân dân địa phương Hải Phòng.