Chương trình bao gồm 2 phần, trong đó phần lễ gồm các nghi lễ: Lễ Cáo yết, Lễ rước, Tế chính, Lễ dâng hương và Lễ tạ. Phần hội bao gồm các hoạt động: gian hàng chợ quê, hát cửa đình (hát Ca trù), hát xẩm, trưng bày hoa lan sinh vật cảnh và triển lãm ảnh nghệ thuật về hoa lan, hội thi chim chào mào hót.
Việc tổ chức Lễ dâng hương tại Di tích đình Hàng Kênh nhằm góp phần tôn vinh, giới thiệu về thân thế, sự nghiệp, công lao to lớn của Đức Ngô Vương Quyền - Ông tổ trung hưng, người có công lãnh đạo Nhân dân ta đánh tan đội quân Nam Hán xâm lược vào năm 938, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài cho dân tộc sau hơn 1000 năm Bắc thuộc. Qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tuyên truyền, giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, sinh hoạt lễ nghi truyền thống du xuân đầu năm của nhân dân và du khách.
Đình Hàng Kênh hơn 300 năm tuổi là di tích đặc biệt, nổi tiếng bởi lối kiến trúc độc đáo với các mảng chạm khắc gần 400 con rồng cầu kỳ, tinh xảo, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.
Đáng nói, trong hơn 150 mảng điêu khắc của đình Hàng Kênh có gần 400 con rồng quấn quýt, hòa quyện cùng hoa lá, cỏ cây, chim, phượng với kỹ thuật chạm khắc điêu luyện, thể hiện tài năng, tinh hoa cũng như khát vọng cầu âm dương hòa hợp, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi nẩy nở của những người thợ dân gian xưa.
Kiệu bát cống có niên đại thời Nguyễn, vào khoảng thế kỷ XIX. Kiệu gồm 4 thanh đòn chạm khắc thành 4 con rồng. Trên lưng của tay đòn đó, đỡ đầu và đuôi của 2 thanh giằng ngang là 2 con rồng khác. Hai thanh giằng ngang lại đội đầu và đuôi của 2 đòn lớn khác. Cả 8 con rồng thân kiểu đều được chạm trong tư thế đang bay lên, tạo sự nhẹ nhàng, thanh thoát cho cả cỗ kiệu. Trên lưng hai con rồng lớn nhất có một chiếc ghế tựa dạng ngai vua. Hai bên tay ngai là 2 con rồng đang bay ra phía trước, quấn thân rồng là những dải mây.
Kiệu rồng đỡ ngai là một đặc trưng của việc thờ nam thần. Khi rước trên ngai này thường đặt bài vị Thành hoàng Ngô Quyền - người bảo trợ cho dân làng Hàng Kênh. Toàn thân kiệu được sơn son thếp vàng lộng lẫy, được đặt ở gian thứ 2 bên hữu tòa tiền tế.
Ngoài ra, đình lưu giữ hai pho tượng sống quy, có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII; nhiều long đao và kiếm thờ được liệt vào hàng cổ vật, tiêu biểu là đôi bảo đao có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ XVII; đôi tượng voi, ngựa có niên đại vào khoảng thế kỷ XIX, đều được tạc bằng gỗ đứng trên xe đẩy, được đặt chầu vào gian chính giữa...
Đình thờ Đức vương Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ (897) tại thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội ngày nay, trong một dòng hào trưởng có thế lực tại châu Đường Lâm. Từ nhỏ, ông đã tỏ ra là người có trí dũng song toàn. Lớn lên, ông nối chí cha, trở thành một hào trưởng hùng mạnh trong vùng. Ông được Dương Đình Nghệ tin yêu, mời về làm nha tướng và gả con gái cho, đồng thời giao cho trấn giữ Châu Ái, vùng đất phên dậu của họ Dương.
Năm 937, Dương Đình Nghệ bị thuộc tướng Kiều Công Tiễn giết hại nhằm đoạt ngôi Tiết độ sứ. Nghe tin, Ngô Quyền tập hợp lực lượng để tiêu diệt Kiều Công Tiễn. Hoảng sợ, Kiều Công Tiễn vội vã sai người cầu cứu nhà Nam Hán. Vua Lưu Cung sai con là Thái tử Hoằng Tháo thống lĩnh một đoàn binh thuyền vượt biển sang xâm lược nước ta.
Đoán trước được ý đồ “nội công, ngoại kích” của địch, Ngô Quyền huy động hàng ngàn binh sĩ và nhân dân địa phương xây dựng trận địa cọc để đón đánh quân xâm lược trên khu vực sông Bạch Đằng từ Lương Xâm (gần vùng cửa biển) cho đến khu vực ngang với nội thành Hải Phòng ngày nay. Một ngày cuối đông năm 938, đoàn binh thuyền của Hoằng Tháo đến vùng cửa biển Bạch Đằng và đã lọt vào vào trận địa mà Ngô Quyền đã bày sẵn. Trong thời gian ngắn, toàn bộ chiến thuyền của nhà Nam Hán bị nhấn chìm, hầu hết quân địch bị tiêu diệt.
Mùa xuân năm 939, Ngô Quyền xưng Vương, lập ra nhà Ngô, đóng đô ở Cổ Loa, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Kỷ nguyên phát triển của quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ của dân tộc Việt Nam. Ngày 16 tháng Giêng năm 944, Ngô Quyền qua đời sau 6 năm trị vì đất nước. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, các triều đại đã ban cấp sắc chỉ cho nhiều làng xã ở Hải Phòng phụng thờ, trong đó có đình Hàng Kênh, thuộc quận Lê Chân ngày nay.