Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hải Phòng: Giải pháp nào cho ngôi chợ xây mới hàng chục tỷ rồi bị bỏ hoang?

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một ngôi chợ mới khang trang, có giá hàng chục tỷ đồng với diện tích gần 5.000m2 được xây dựng từ năm 2015 đến nay tại xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng) những tưởng sẽ đi vào hoạt động theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng, khu chợ này lại bị bỏ hoang với lí do người dân không chịu vào họp chợ.

 Chợ Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng
Ông Lương Văn Cường trú xã Ngũ Phúc, là người đã đứng ra xây dựng khu chợ này buồn rầu chia sẻ: "Tôi là người ở thôn Đông, cũng chỉ là một nông dân chăm chỉ chăn nuôi gà vịt làm ăn cần mẫn. Năm 2013 xã có chủ trương xây dựng chương trình nông thôn mới trong đó có một tiêu chí không thể thiếu đó chính là chợ nông thôn. Thực hiện vận động của chính quyền xã tôi đứng ra xây chợ từ khi còn là một đám đất hoang hóa. Từ việc san lấp nền đến xây dựng mới như bây giờ tôi phải cắm bìa đỏ ngân hàng, vay lãi, vay anh em họ hàng được khoảng chục tỷ đồng. Tôi tâm huyết với khu chợ này với mong muốn bà con có được khu chợ mới về họp không phải ngồi ven đường, vừa mất vệ sinh vừa không an toàn. 
Năm 2015 sau khi chợ xây xong thời gian đầu có một số bà con đến họp. Tôi thông tin tới từng người dân sẽ được ưu đãi 3 năm không phải đóng bất kỳ một khoản phí nào, điện nước tôi chịu hết. Nhưng không hiểu vì lí do gì sau vài tháng hoạt động cuối cùng chợ không còn người nào để họp. Bản thân tôi như ngồi trên đống lửa bởi chợ không có dân họp thì mọi thứ chi phí tôi vẫn phải lo, hàng năm vẫn phải trả lãi cho ngân hàng. Nếu cứ tình trạng tôi sẽ rơi vào nợ nần và phá sản".

Theo ghi nhận, hiện nay khu chợ với rất nhiều gian hàng trống, người dân quanh đây tận dụng để đồ đạc.

Trao đổi với PV, ông Phạm Đức Lượng - Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc cho biết: Hiện tại bà con trong xã họp tại chợ cóc ở thôn Xuân Đông từ nhiều năm qua. Việc họp chợ này đã gây mất an toàn giao thông. Hàng năm chính quyền địa phương vẫn vận động bà con đến họp chợ mới, tuy nhiên vận động là thế nhưng người dân vẫn không chịu vào. Riêng đối với xã Ngũ Phúc, nhờ có người dân bỏ tiền ra xây chợ nông thôn nhằm thực hiện các tiêu chí về nông thôn mới nên xã đã về đích vào năm 2017.
 Hiện nay khu chợ với rất nhiều gian hàng trống, người dân quanh đây tận dụng để đồ đạc.
Ông Bùi Đức Thảo - Chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy cho biết thêm: Giải pháp trước mắt nhằm "cứu chợ" chính là tiếp tục vận động người dân trong xã đến họp chợ, đồng thời kiên quyết dẹp bỏ chợ cũ gây mất an toàn giao thông. Đối với lãnh đạo chính quyền xã cần gương mẫu chấp hành nghiêm túc việc vận động, tham gia đối với từng cá nhân. Cần có thái độ tích cực và chia sẻ đối với người dân đã có tâm huyết bỏ tiền ra xây chợ, tránh tình trạng thờ ơ, đối phó. Không để tạo ra tiền lệ xấu và để kẻ xấu lợi dụng. Người dân cần hợp tác với chính quyền và nhìn nhận việc xây chợ là giúp cho người dân hạn chế tối an toàn giao thông cũng như đảm bảo tốt yếu tố môi trường.

Chợ nông thôn là một nhu cầu thiết yếu, giúp cho người dân quanh xã bỏ dần kiểu họp chợ manh mún, nhỏ lẻ và tiến tới là mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa. Việc hình thành phát triển chợ sẽ tạo điều kiện cho người dân có một nơi an toàn ổn định. Thiết nghĩ trên địa bàn Hải Phòng hiện có rất nhiều chợ xây xong rồi bỏ hoang, không phát huy được theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Điều này đang rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền để giúp người đầu tư hạn chế được thiệt hại ở mức thấp nhất. Bởi nếu chợ xây xong mà bị bỏ hoang khác nào gây lãng phí tiền của thậm chí còn nảy sinh nhiều tiêu cực khác.