Khu thương mại tự do Đà Nẵng: bước đệm cho chiến lược vùng
Kinhtedothi - Trong bối cảnh Đà Nẵng và Quảng Nam đang đẩy mạnh tiến trình sáp nhập, việc xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng được xem là bước đi chiến lược nhằm định hình lại không gian phát triển kinh tế vùng. Không chỉ là mô hình kinh tế đặc thù đầu tiên tích hợp cảng biển - sân bay - tài chính - đổi mới sáng tạo, Khu thương mại tự do Đà Nẵng đang được kỳ vọng sẽ trở thành cực tăng trưởng mới, nếu có cơ chế chính sách vượt trội và tầm nhìn quy hoạch logistics liên hoàn đến khu vực Chu Lai.
Xây dựng mô hình khu thương mại tự do tích hợp cảng - sân bay - tài chính
Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng vừa đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù và cạnh tranh vượt trội nhằm áp dụng cho Khu thương mại tự do Đà Nẵng - mô hình kinh tế chiến lược đang trong giai đoạn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Sở Công Thương, đến nay dự thảo Đề án xây dựng Khu thương mại tự do Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thiện. Sau hai lần lấy ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành Trung ương, UBND thành phố Đà Nẵng đã có văn bản tham mưu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua Đề án và phê duyệt quyết định thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Đà Nẵng quy hoạch khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu. Ảnh: Tần Việt.
Khu thương mại tự do Đà Nẵng có quy mô gần 2.100 ha, chưa kể hơn 300 ha diện tích lấn biển, được bố trí tại 9 vị trí không liền kề, kết nối trực tiếp với cảng biển Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng. Đây là mô hình khu thương mại tự do đầu tiên trong cả nước tích hợp đồng bộ các chức năng logistics cảng biển - sân bay, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất, công nghệ số và đổi mới sáng tạo.
Theo định hướng, Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ là trung tâm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường, là đầu mối logistics và trung chuyển hàng hóa quốc tế. Đồng thời, khu vực này được phát triển gắn với trung tâm tài chính Đà Nẵng để hình thành hệ sinh thái dịch vụ chất lượng cao, tạo động lực lan tỏa phát triển đến miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Thúc đẩy liên kết vùng: từ Đà Nẵng đến Chu Lai trong chiến lược logistics
Trong bối cảnh Đà Nẵng và Quảng Nam đang xúc tiến xây dựng đề án sáp nhập địa giới hành chính, việc định hình lại không gian phát triển logistics và thương mại tự do đang trở thành vấn đề chiến lược.
Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu và logistics do UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đã nêu quan điểm cần mở rộng tư duy phát triển logistics theo không gian vùng, thay vì bó hẹp trong địa giới hành chính.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhấn mạnh: “Đây là thời điểm để tư duy lại toàn bộ quy hoạch phát triển trong không gian mở rộng. Việc đề xuất thêm một khu thương mại tự do tại Chu Lai không làm mất đi vai trò của Đà Nẵng, mà trái lại, giúp khu vực này trở thành cực tăng trưởng logistics hoàn chỉnh và hiệu quả”.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn cho biết: “Chúng ta cần mở rộng tư duy quy hoạch từ đơn vị hành chính sang không gian kinh tế vùng. Với việc mở rộng địa giới và kết nối hạ tầng, việc phát triển các trung tâm logistics liên hoàn từ Liên Chiểu đến Chu Lai là hoàn toàn khả thi”.
Hiện thành phố đang rà soát lại toàn bộ quy hoạch phát triển ngành logistics, tích hợp các lợi thế mới từ khu vực Chu Lai, Tây Nguyên và vùng ven biển miền Trung. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư vào các dự án chiến lược như cảng Liên Chiểu, trung tâm logistics hàng không tại sân bay quốc tế Đà Nẵng và trung tâm trung chuyển đường sắt sau di dời ga Đà Nẵng.
Trong quá trình xây dựng Đề án, tổ công tác đánh giá nhiều chính sách ưu đãi theo Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội chưa tạo được lợi thế cạnh tranh thực sự rõ nét. Do đó, Sở Công Thương kiến nghị cần bổ sung các cơ chế mới mang tính đặc thù, vượt khung chính sách hiện hành. Các đề xuất này sẽ trình Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành, đặc biệt nhấn mạnh kết nối giữa Khu thương mại tự do Đà Nẵng và Trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng.
Song song đó, các đại biểu tại hội nghị cũng kiến nghị tiếp tục hoàn thiện thể chế logistics, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng liên vùng và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới và chuyển đổi số.
Trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, thành phố Đà Nẵng xác định nhiệm vụ trọng tâm là chủ động xây dựng kế hoạch triển khai; xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; hoàn thiện bộ máy quản lý và tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ.
Sở Công Thương đề xuất sớm ban hành kế hoạch hành động thực hiện Đề án ngay sau khi được phê duyệt, với sự phân công rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân đứng đầu và sự lãnh đạo trực tiếp của lãnh đạo UBND thành phố.

Quảng Nam thúc đẩy trung tâm logistics quốc tế tại Chu Lai
Kinhtedothi - Công trình bến 5 vạn tấn đưa vào vận hành góp phần thúc đẩy mục tiêu cảng Chu Lai trở thành trung tâm logistics quốc tế, tạo động lực phát triển sản xuất và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng.

Đà Nẵng khởi công dự án cải tạo hạ tầng trọng điểm thành phố
Kinhtedothi - Sáng 25/3, thành phố Đà Nẵng long trọng tổ chức lễ triển khai thi công dự án cải tạo hệ thống thoát nước và hạ ngầm cáp thông tin, điện chiếu sáng trên 4 tuyến đường nội thị gồm: Phan Châu Trinh, Lê Lợi, Hoàng Diệu và Ông Ích Khiêm

Quảng Nam ấn định thời gian sắp xếp tổ chức bộ máy các cấp
Kinhtedothi - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam vừa ban hành Kế hoạch số 549 về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo các kết luận số 126, số 127 của Bộ Chính trị.