Trong đơn các hộ dân kiến nghị đến thời điểm hiện tại các hộ chăn nuôi lợn tại phía đê thôn Thiết Tranh – cầu Thuỵ An, cầu Vĩnh An không tuân thủ quy định về đảm bảo môi trường. Nhiều năm qua các trang trại lợn trực tiếp thải rác thải, phân lợn ra sông không qua các biện pháp xử lý đầy đủ đã bốc mùi hôi thối nồng nặc ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng trăm hộ dân sinh sống quanh khu vực.
Đến nay nguồn nước bên cạnh trang trại lợn có màu đen gây ô nhiễm tại các nhánh sông liền kề sau đó chảy ra sông Thái Bình và nguồn nước sinh hoạt cho các hộ dân sử dụng nước tại Nhà máy nước sạch số 2 Vĩnh An.
Trao đổi về nội dung nêu trên, ông Vũ Trọng Quảng – Chủ tịch UBND xã Vĩnh An cho biết trên địa bàn có 17 trang trại chăn nuôi lợn (từ 300 – 900 con) của 11 hộ dân đã chăn nuôi từ những năm 2012. Ngay sau khi nhận được đơn kiến nghị của người dân. Địa phương đã tiến hành họp các hộ dân có trang trại lợn cần nghiêm túc khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường; yêu cầu tất các trang trại chăn nuôi lợn phải có biện pháp xử lý ngay tình trạng nước phân rò rỉ ra bên ngoài môi trường; bắt buộc phải có hệ thống phun sương, khử mùi, xử lý mùi từ chuồng trại ra bên ngoài môi trường; tự xử lý hầm Biogas; khi nhập giống lợn phải có bản kê khai hoạt động chăn nuôi gửi về UBNS xã qua cán bộ Thú y theo quy định.
Trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo, hoạt động chăn nuôi lợn có từ nhiều năm, vẫn biết việc phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng bên cạnh những lợi ích đó thì tình trạng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân đã gây bức xúc trong dư luận. Hàng chục năm qua người dân sống quanh khu vực này đã từng kiến nghị với chính quyền về tình trạng ô nhiễm từ các trang trại nuôi lợn. Những trang trại này dù hoạt động nhiều năm nhưng không có giải pháp triệt để trong việc xử lý ô nhiễm.
Ông Nguyễn Văn A – một hộ dân sinh sống gần trang trại cho biết mùi hôi thối bốc lên cả ngày lẫn đêm, nhất là vào mùa hanh khô thì nước tại các ao cạnh khu trang trại đen ngòm, đặc quánh rất khó chịu.
Theo báo cáo của UBND xã Vĩnh An, các trang trại lợn đều có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi nhưng do khối lượng chất thải lớn, hệ thống xử lý quá tải, xuống cấp không được đầu tư kịp thời đã xảy ra tình trạng ô nhiễm.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp – Trưởng phòng TNMT huyện Vĩnh Bảo cho biết đã nhận được thông tin phản ánh của người dân, hiện cơ quan chức năng đang yêu cầu chính quyền địa phương có báo cáo về thực trạng hoạt động của các trang trại này. Đồng thời kết hợp với đơn vị có liên quan để tìm giải pháp hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường.
Được biết, để giải quyết ô nhiễm môi trường trong các trang trại lợn thì cần phát triển chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn, ưu tiên nguồn lực các cơ sở xây dựng liên kết chuỗi, có công nghệ xử lý môi trường, tái chế chất thải phục vụ lại cho trồng trọt. Bên cạnh đó chính quyền địa phương cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho các chủ trang trại. Chính quyền cũng cần có biện pháp mạnh để xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
Đến lúc cần sự vào cuộc đồng bộ giữa địa phương, chủ trang trại cùng thực hiện đưa ra các giải pháp để các cơ sở chăn nuôi hạn chế tối đa việc ô nhiễm môi trường trả lại cho người dân một nguồn nước không bị ô nhiễm và có cuộc sống trong lành.