Lễ hội được tổ chức trong 03 ngày chính, từ 15/02 đến ngày 17/02 (tức ngày mồng 6, 7 và mồng 8 Tết Nguyên đán Giáp Thìn) và kéo dài đến hết ngày 24/02 (tức ngày 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Trong đó, Lễ Cáo yết được tổ chức từ 14h00’ ngày 14/2; khai mạc Lễ hội tổ chức từ 8h00’ ngày 15/2; các trò chơi dân gian được tổ chức từ ngày 16/2; Lễ Giã đám được tổ chức từ 17h00’ ngày 17/2. Phần hội của Lễ hội gồm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian, các gian hàng triển lãm… tạo không khí vui tươi, lành mạnh, được tổ chức đan xen từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán đến hết tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024.
Chương trình khai mạc Lễ hội là màn rước bút long trọng, trang nghiêm từ Văn Miếu Xuân La về Khu tưởng niệm Vương triều Mạc (nghi thức an vị bút, đọc chúc văn khai bút, đánh trống khai hội). Sau nghi thức khai hội, các em học sinh giỏi tiêu biểu của huyện Kiến Thuỵ sẽ thực hiện nghi thức khai bút với nhiều ý nghĩa tốt đẹp.
Đây là hoạt động văn hóa, giáo dục truyền thống của dân tộc, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với mọi người dân Việt Nam. Việc khai bút đầu xuân tượng trưng cho sự khởi đầu tốt đẹp của mọi hoạt động, mọi chương trình, kế hoạch, với mục đích gửi gắm tâm tư, nguyện vọng về một năm mới hạnh phúc và thành công. Việc tổ chức Lễ hội Khai bút đầu xuân tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc còn mang ý nghĩa tri ân Đức Mạc Thái tổ và các Tiên đế Vương triều Mạc đã có công cao, đức lớn trong việc phát triển giáo dục và đào tạo nhân tài cho đất nước, như: Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Thị Duệ…
Bên cạnh đó, Lễ hội Khai bút xuân Giáp Thìn 2024 còn thúc đẩy tiềm năng du lịch, tạo điểm nhấn về du lịch, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của huyện Kiến Thụy và thành phố Hải Phòng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Thông qua các hoạt động của Lễ hội góp phần bảo tồn và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc; quảng bá tiềm năng thế mạnh du lịch, thu hút khách du lịch trong và ngoài .