Ngay sau bão số 3, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo các phòng, cơ quan, đơn vị trực thuộc căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với địa phương để tổng hợp thiệt hại; đồng thời tổ chức thực hiện ngay công tác khắc phục hậu quả.
Trên địa bàn toàn thành phố đã có nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh bị gãy đổ, hư hại; nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản, lồng bè bị thiệt hại; nhiều trang trại chăn nuôi bị ảnh hưởng (tốc mái, lụt, hỏng trang thiết bị chăn nuôi); gia súc, gia cầm chết; nhiều diện tích rừng tự nhiên đồi núi, rừng trồng ngập mặn, rừng phi lao, rừng trồng đồi núi, rừng mới trồng của các dự án trồng rừng bị gãy, đổ, sóng biển đánh bay và cuốn trôi.
Riêng về lĩnh vực trồng trọt ước thiệt hại 2.628,49 tỷ đồng, trong đó tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng (không tính hoa, cây cảnh) là 32.637,2 ha; ước thiệt hại 2.346 tỷ đồng…
Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, tổng diện tích rừng bị thiệt hại 7.192,39 ha, ước thiệt hại 529,4 tỷ đồng (trong đó thiệt hại hoàn toàn trên 70% là 823,17 ha; thiệt hại rất nặng từ 50-70% là 1.565,6 ha; thiệt hại nặng từ 30-50% là 4.344,54 ha; thiệt hại một phần dưới 30% là 459,08 ha).
Lĩnh vực chăn nuôi ước thiệt hại 381,7 tỷ đồng, trong đó: gia súc bị chết, cuốn trôi 6.986 con, ước thiệt hại 16,6 tỷ đồng. Gia cầm bị chết, cuốn trôi 1.324.574 con, ước thiệt hại 140,6 tỷ đồng. Các loại vật nuôi khác bị chết, cuốn trôi: 81.150 con, ước thiệt hại 2,3 tỷ đồng. Thức ăn gia súc, gia cầm bị cuốn trôi, vùi lấp, hư hỏng: 419 tấn, ước thiệt hại 8,5 tỷ đồng.
Hệ thống thủy lợi ước thiệt hại 36,8 tỷ đồng. Đê từ cấp III đến cấp đặc biệt ước thiệt hại 0,51 tỷ đồng. Đê từ cấp IV trở xuống, đê bối, bờ bao ước thiệt hại 3,6 tỷ đồng. Kè ước thiệt hại 4,01 tỷ đồng. Kênh mương bị sạt, trôi, hư hỏng ước thiệt hại 9,3 tỷ đồng. Lĩnh vực thủy sản ước thiệt hại 1.305,4 tỷ đồng.
Tại Hội nghị giao ban báo chí ngày 3/10, ông Vũ Bá Công - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng cho biết, tình hình thiệt hại do bão số 3, mưa lũ gây ra trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn ở mức rất lớn, chiếm gần 40% so với tổng ước thiệt hại của TP (13.062.733,49 triệu đồng). Hiện Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương để rà soát, thống kê, xác định chính xác về thiệt hại lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để kịp thời báo cáo theo quy định.
Để kịp thời phòng, chống dịch bệnh động vật sau mưa lũ, hỗ trợ các hộ chăn nuôi nhằm tiêu diệt, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập phát sinh gây thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi trên địa bàn, ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương huy động mọi nguồn lực, tranh thủ mọi điều kiện, thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp đã đến kỳ thu hoạch; tiêu úng, khơi thông dòng chảy, hướng dẫn kịp thời, có hiệu quả các biện pháp kỹ thuật để khắc phục khôi phục sản xuất.
Cụ thể: vệ sinh, dọn sạch tàn dư thực vật do bão, mưa lũ gây ra, tuyệt đối không vứt tàn dư xuống kênh, mương, hệ thống thủy lợi. Những diện tích không còn khả năng thu hoạch khẩn trương thu dọn, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng, vật tư để tranh thủ thời vụ tốt nhất tiến hành sản xuất vụ mới…
Đối với diện tích hoa màu bị thiệt hại không khắc phục được, bà con nông dân tiến hành vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị đất để trồng mới, đặc biệt nhóm rau ăn lá ngắn ngày được mở rộng gieo trồng. Đến ngày 25/9/2024, diện tích rau màu được trồng mới ước đạt 320 ha (cây rau, hoa...).
Sở NN&PTNT chỉ đạo lực lượng quản lý đê điều chuyên trách tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra; kịp thời xuất cấp vật tư dự trữ hộ đê (đã xuất 4.100 m2 bạt chống sóng, 35.500 chiếc bao tải, 125 chiếc xẻng, 55 chiếc cuốc, 20 chiếc mai, 850 chiếc rọ thép loại 2m3 và các công cụ, dụng cụ khác).
Yêu cầu các công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi bố trí nhân lực kiểm tra, giải toả các điểm ách tắc cục bộ. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, thực hiện các phương án đảm bảo an toàn các cống dưới đê; chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống úng đối với các công trình trọng điểm, vùng úng trọng điểm.
Tổ chức khơi thông dòng chảy, vớt bèo, rác, giải tỏa các đăng, đó, vật cản trên các tuyến kênh. Kiểm tra, khắc phục các sự cố do công trình bị hư hỏng, đảm bảo tiêu úng; triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị thực hiện chống úng theo phương án được duyệt.