Những ngày đầu năm mới, theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm về thôn Tiền Hải, xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng để nghe các cụ cao niên trong làng kể lại về hội thi pháo đất.
Cụ Nguyễn Văn Yến đã ngoài 80 tuổi cho biết: Theo truyền thống của làng thì tại mỗi hội thi theo truyền thống địa phương, cũng là ngày mà dài pháo (các đội chơi của các dòng họ) mời 1 cụ già làm lễ cáo yết với Thành Hoàng làng để cầu cho cuộc chơi hanh thông. Lễ vật thường là hương hoa và không quên một nắm đất pháo để kính cáo với bề trên.
Như vậy, mỗi lần hội pháo đất diễn ra đều được chứng giám của Thành Hoàng các làng trong một vùng. Với các gia đình, dòng họ thì đây cũng là ngày “áp rạp”, con cháu tụ tập đông đủ để bàn bạc phân công nhau xem ai sẽ là pháo thủ của cuộc thi, ai sẽ thi trước, ai thi sau, làm thế nào để giành chiến thắng, đem lại vinh quang cho dòng họ…
Cụ Yến kể, trò chơi pháo đất có từ lâu đời, từ bao giờ thì cụ không nhớ, chỉ biết rằng, khi cụ còn bé đã thấy dân làng chơi pháo đất và trò chơi đó được lưu truyền đến tận ngày nay.
Theo cụ Yến, tuy là trò chơi khá phổ biến, nhìn bề ngoài thì ai cũng có thể chơi được nếu có sức khoẻ, nhưng để thắng cuộc không những phụ thuộc vào cách chơi, kỹ thuật điêu luyện của từng người mà còn phụ thuộc vào sự chung sức, chung lòng của toàn đội. Đó cũng chính là ý nghĩa sâu sắc của trò chơi pháo đất.
Theo đó, đất làm pháo phải được lấy từ đáy sông Cồn Mục hoặc ở tầm sâu trên đồng ruộng. Đó phải là những tảng nguyên khối, có độ dẻo, độ kết dính tốt, không bị pha cát, không có tạp chất.
Đất mang về được úp lên tường cho khô bớt, rồi được thái thành từng mảnh mỏng để làm sạch đất, rồi nhào, nặn cho thật nhuyễn, thật mịn như khoanh giò lụa.
Công đoạn làm đất đã kỹ càng, khi làm ra quả pháo lại càng tỉ mỉ, công phu.
Chúng tôi có mặt ở nhà thờ dòng họ Nguyễn, thôn Tiền Hải để chứng kiến tận mắt công đoạn làm pháo. Pháo được nặn hình Ê-líp dài từ 70 đến hơn 1m, rộng khoảng 40cm - 60cm, có quả pháo nặng 30 kg có quả nặng tới 40kg hoặc hơn nữa tuỳ theo sức lực và sự khéo léo của người chơi.
Theo những gì mà chúng tôi nhìn thấy, thì pháo đất được nhào nặn hoàn toàn bằng sự khéo léo của đôi bàn tay người thợ. Cái tài hoa của đôi bàn tay nặn pháo có lẽ thể hiện lòng yêu thương đất đai của người làm pháo khi họ có thể phát hiện ra độ dày, mỏng khác nhau của manh pháo dù chỉ một vài li. Những người thợ làm pháo chăm chút từng ly từng tý với khối đất trong tay họ, vừa cảm nhận vừa nắn nắn bóp bóp sao cho toàn bộ giềng pháo đều, chắc và dẻo. Vì vậy mỗi chiếc pháo làm xong, nhìn như một tác phẩm nghệ thuật, thon thả, đều đặn, quanh giềng in những dấu vân tay như những hoa văn độc đáo.
Trò chơi thể hiện sự chung lòng, đoàn kết
Ông Bùi Văn Thiềm, Trưởng ban Văn hoá xã Tân Liên cho biết, cũng như cách chọn đất và làm pháo, tổ chức hội thi pháo đất ở vùng quê này vẫn giữ được nét truyền thống được lưu truyền từ xa xưa. Các tên gọi cũng vẫn giữ nguyên những từ cồ như dài pháo (là cách gọi của một dẫy nhiều người, có thể từ 8 - 10 pháo thủ một dài), pháo thủ (người chơi), thủ trượng (người giám sát việc đo trên sân), thủ trịch (người giám sát việc ghi kết quả)…
Thường thì mỗi xóm hoặc mỗi làng, mỗi dòng họ 1 dài pháo. Dài pháo mang tính cộng đồng chặt chẽ, mỗi pháo của một dài là của chung cả dài. Mỗi dài pháo là niềm tự hào của một làng, một xóm, một họ. Do đó, pháo của bất kỳ ai trong cuộc ra nhất đều được cả hội tôn vinh.
Hào hứng và hồi hộp nhất là lúc chơi pháo. Trong không khí rộn ràng, thôi thúc của tiếng trống ngũ liên, ba, bốn người nâng pháo lên tay cho người chơi. Việc nâng lên phải khéo léo sao cho pháo không bị rã, bị lệch. Khi pháo đã nằm gọn trên tay pháo thủ, mọi người lui ra, đó là lúc phảo thủ phải tự mình dùng toàn thân đỡ pháo và bằng sự khéo léo của đôi tay, gieo cho pháo tiếp đất thật cân bằng, cùng với tiếng nổ là giềng pháo tung ra. Cũng có pháo khi tiếp đất không có tiếng nổ, không ra manh thì quả đó gọi là pháo tịt; có pháo manh tung ra nhưng bị đứt làm hai hoặc nhiều đoạn đó là pháo tan. Cả hai trường hợp như vậy thì bị coi là những quả pháo hỏng. Mỗi pháo thủ trong cuộc chơi phải tung 3 pháo (gọi là tung tiên, tung nhì, tung ba) và úp 3 pháo (gọi là úp tiên, úp nhì, úp ba). Mỗi lần tung hoặc úp đều dùng trượng để đo, ai có giềng pháo ra dài nhất sẽ được thưởng.
Ông Thiềm cho biết thêm, quy ước tính điểm hơn kém, trong cuộc chơi tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng rất chặt chẽ và công khai. Dù hội pháo có 2 dài hay 20 dài dự thi thì thủ tục cũng giống hệt nhau. Mỗi dài có một thủ trịch làm nhiệm vụ ghi điểm và giám sát các thủ trịch khác; 1 thủ trượng để đo và giám sát cách đo lẫn nhau. Cách đo bằng trượng (gậy tre dài 5 thước ta, xưa dùng để đo ruộng) các thủ trượng đánh dấu số dư đo được trên trượng của mình bằng mấu đất, và các thủ trịch chỉ ghi kết quả số trượng, mỗi trượng một khuyên tròn. Hội thi pháo đất tuyệt nhiên không có ăn thua sau hội nếu có thắng, thua là thắng thua tuyệt đối, không có 2 dài hoà, đã có 2 dài hoà là hoà cả làng. Tiền góp cho hội pháo là của mọi người, dù thắng, dù thua cũng chỉ đủ một bữa liên hoan thân mật thường là vui chung cho trai tráng trong làng.
Mỗi khi có hội thi pháo đất là dịp bà con, anh em thân thuộc, đồng môn, đồng tuế qua lại thăm hỏi nhau, giao lưu tình cảm và là dịp học hỏi nhau về kinh nghiệm đồng áng. Chính vì vậy, việc duy trì lễ hội dân gian pháo đất ở Tân Liên nói riêng, Vĩnh Bảo, Hải Phòng nói chung là một việc làm có ý nghĩa nhằm khơi dậy vẻ đẹp của tinh thần đoàn kết, giữ gìn và bồi đắp hồn quê và tình người mãi mãi trong sáng, đậm đà.