Hải Phòng: Phát triển đô thị hiện đại, văn minh, đáng sống

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế Hải Phòng duy trì đà tăng trưởng, đứng thứ 3 cả nước, đứng đầu 5 TP trực thuộc Trung ương và 11 tỉnh... Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Hiệu quả từ chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư đã mang lại kết quả tích cực

 
 Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng
 Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng

PV báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng.

Thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, trong 6 tháng đầu năm, Hải Phòng đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức đạt được những kết quả quan trọng. Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật?

-  Mặc dù tình hình thế giới có nhiều biến động, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục ổn định và phát triển. Một số chỉ tiêu kinh tế của thành phố tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Tình hình chính trị được ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, khu vực biên giới, biển đảo được giữ vững.

Hải Phòng: Phát triển đô thị hiện đại, văn minh, đáng sống - Ảnh 1

Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Hải Phòng sớm chỉ đạo quyết liệt các cấp ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, góp phần thúc đẩy tình hình kinh tế - xã hội, với một số kết quả nổi bật.

Kinh tế duy trì đà tăng trưởng, đứng thứ 3 cả nước, đứng đầu 5 TP trực thuộc Trung ương và 11 tỉnh... Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Hiệu quả từ chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư đã mang lại kết quả tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài, cơ bản hoàn thành mục tiêu kế hoạch năm.

Khởi công, khánh thành nhiều công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực như giao thông, đô thị, góp phần nâng tầm vị thế và mở ra không gian, dư địa phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố.

Hải Phòng: Phát triển đô thị hiện đại, văn minh, đáng sống - Ảnh 2

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm. 

Trong 6 tháng qua, kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội có thể kể đến là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,94% so với cùng kỳ năm 2022,  gấp trên 2,6 lần cả nước (3,72%), đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố; đứng đầu Vùng đồng bằng sông Hồng và 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Một số chỉ tiêu đạt cao như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trên 12% so với cùng kỳ năm 2022 (cả nước -1,2%); Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 81.700 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ; Kim ngạch xuất khuẩu đạt trên 13,2 tỷ Đô la Mỹ, tăng gần 1,6% so với cùng kỳ; Thu hút vốn đầu tư nước ngoài ước đến 30/6/2023 đạt 1,98 tỷ Đô la Mỹ, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2022, bằng 99% kế hoạch năm (Kế hoạch năm: 2,0 đến 2,5 tỷ Đô la Mỹ).

Số lượng khách du lịch đạt gần 3,4 triệu lượt, tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2022, bằng trên 47% kế hoạch năm (Kế hoạch năm: Thu hút 7,3 triệu lượt khách). Giải quyết việc làm cho người lao động đạt trên 30,9 nghìn lượt người, tăng trên 8% so với cùng kỳ 2022, bằng trên 54% kế hoạch năm. Học sinh Hải Phòng đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, vừa qua có 03 học sinh đoạt giải Olympic quốc tế năm 2023 (01 huy chương Vàng môn Toán, 01 huy chương Bạc môn Toán; 01 huy chương Bạc môn Vật lý).

Hải Phòng: Phát triển đô thị hiện đại, văn minh, đáng sống - Ảnh 3

Xin ông cho biết những kết quả cụ thể Hải Phòng đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng, hiện đại hóa kết hợp với chỉnh trang đô thị?

Trong phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, TP tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, để sớm đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng.

Hải Phòng đã khởi công nhiều dự án, công trình trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội, như: Trung tâm Chính trị - Hành chính thành phố, Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố tại Khu đô thị Bắc sông Cấm.

Các dự án, công trình về hạ tầng giao thông, như: Nút giao khác mức tại ngã tư đường Tôn Đức Thắng - Máng Nước - Quốc lộ 5;   Đường Đỗ Mười kéo dài;   Cầu Lại Xuân. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu tại huyện Cát Hải. Đã hoàn thành, đưa vào sử dụng: Trung tâm Chính trị - Hành chính quận Ngô Quyền; Dự án mở rộng đường tỉnh 363 (đoạn kênh Hòa Bình, từ 353 đến đường 361). 

Hải Phòng: Phát triển đô thị hiện đại, văn minh, đáng sống - Ảnh 4

TP đang tích cực chuẩn bị các thủ tục để khởi công các dự án, công trình: Nhà ga hành khách số 2;  Nhà ga hàng hóa và sân đỗ máy bay, tại sân bay Quốc tế Cát Bi.

Đặc biệt, TP tập trung triển khai xây dựng nhà ở xã hội kết hợp giải quyết nhà ở cho các hộ dân sinh sống tại các chung cư cũ và xây dựng nhà ở cho công nhân, như:  Xây dựng Đề án phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân để trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố quyết định. Xây dựng Kế hoạch triển  khai xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Khởi công các dự án: Khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên - quận Ngô Quyền; Nhà ở xã hội thuộc Dự án Khu đô thị - Dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ; Khu nhà ở công nhân viên của Công ty TNHH Pegatron Việt Nam; Chung cư 05 tầng tại quận Đồ Sơn.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm. Đặc biệt là các dự án về hạ tầng giao thông, đô thị, các khu, cụm công nghiệp, các bến cảng mới. TP thành lập thêm 3 cụm công nghiệp tại các huyện: Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão.

Hải Phòng: Phát triển đô thị hiện đại, văn minh, đáng sống - Ảnh 5

Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng bến số 7, số 8 và đang tập trung triển khai xây dựng các bến số 3, 4, 5, 6 tại cảng Lạch Huyện.

Đẩy nhanh việc thành lập thành phố trực thuộc thành phố tại huyện Thủy Nguyên và chuyển huyện An Dương thành đơn vị hành chính quận. Đang tổ chức xin ý vào Đề án Tổ chức chính quyền đô thị.

Để góp phần thay đổi diện mạo kiến trúc cảnh quan, chỉnh trang đô thị, mở rộng mặt đường, cải tạo vỉa hè, kết hợp chỉnh trang một số tuyến đường, nâng cao khả năng khai thác, chất lượng sử dụng, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, thành phố thực hiện các Dự án: Chỉnh trang đô thị tại khu vực bến xe Lạc Long cũ; Dự án cải tạo hè, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Lợi và một số tuyến đường nội đô. Tổ chức hạ ngầm cáp viễn thông trên các tuyến đường Nguyễn Bình, Đà Nẵng và Điện Biên Phủ. Triển khai xây dựng các công viên cây xanh trên địa bàn.

Thực hiện Quyết định số 323/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa và tác động mạnh mẽ đến Hải Phòng như thế nào và tình hình triển khai cụ thể hóa việc xây dựng chương trình phát triển đô thị thành phố ra sao để thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố hiện đại, văn minh, đáng sống?

Hải Phòng là đô thị loại I, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa xã hội lớn của quốc gia, TP có mật độ dân số trung bình toàn thành phố khá cao, đạt 1.368 người/km2, hiện xếp thứ năm sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên. Do vậy, việc đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo điều kiện cho TP định hướng toàn diện về phát triển không gian, kiến trúc, cảnh quan, quy mô dân số và đất đai, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở trên địa bàn... Đồng thời, tạo ra công cụ quản lý vĩ mô, cơ sở pháp lý để Hải Phòng thực hiện thành công Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, là cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện quy hoạch, đầu tư, xây dựng và quản lý phát triển đô thị hợp lý, đồng bộ với tổng thể hệ thống đô thị quốc gia và tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân thành phố.

Hải Phòng: Phát triển đô thị hiện đại, văn minh, đáng sống - Ảnh 6

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau khi đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. UBND TP giao các Sở, ban ngành, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện cụ thể hóa theo quy định và tập trung hoàn thiện hệ thống công cụ pháp lý để thực hiện quy hoạch như: Quy chế quản lý kiến trúc đô thị, nông thôn; Chương trình phát triển đô thị; Quy hoạch chung đô thị Thủy Nguyên, quy hoạch đô thị An Dương, quy hoạch vùng huyện, điều chỉnh các quy hoạch: Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch chung các thị trấn, quy hoạch phân khu các quận nội thành…

Chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương phối hợp với đơn vị tư vấn thuộc Bộ Xây dựng để xây dựng, hoàn thiện, trình phê duyệt trong năm 2023 theo nhiệm vụ được giao, trong đó sẽ cụ thể hóa các mục tiêu về xây dựng, phát triển đô thị thành phố Hải Phòng theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung… Cụ thể hóa các mục tiêu xây dựng thành phố theo hướng hiện đại, văn minh, đáng sống, phù hợp với các yêu cầu về phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

 

  • Xin trân trọng cảm ơn ông!