Cứ như vậy ngày nay những miền quê của TP đã “thay màu áo mới”. Người dân phấn khởi, đường sá thuận tiện, đâu đâu cũng ánh lên những niềm vui.
Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có buổi phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ.
Hải Phòng địa phương đi đầu trong chương trình nông thôn mới (NTM) và tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu. Xin ông cho biết TP đã thay đổi như thế nào trong quãng thời gian qua.
- Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu trong “khoán nông nghiệp”. Đây là một trong những cơ sở thực tiễn để Bộ Chính trị tổng kết và ra Nghị quyết số 10 ngày 05/4/1988 về đổi mới quản lý nông nghiệp.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được bắt đầu tư năm 2010. Chương trình là sự kỳ vọng về những thay đổi của làng quê; với cách làm mới, tư tưởng mới, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm tạo ra sự đồng thuận cao, trong đó người dân là chủ thể của Chương trình. Mục tiêu là làm thay đổi căn bản về hạ hầng kinh tế-xã hội, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Có thể coi đây chính là cột mốc mới cho mỗi địa phương trong đó có Hải Phòng. Nhưng làm thế nào? chính sách ra sao? Trách nhiệm của chính quyền đến đâu? Đòi hỏi tất cả mọi người cùng làm, cùng vào cuộc để đạt được mục tiêu ấy.
Có thể nói sau 10 năm thực hiện Chương trình (năm 2019), với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hải Phòng đã đạt được những thành tựu nổi bật: đã có 137/137 (đạt 100%) số xã đạt chuẩn NTM; nhiều tiêu chí đạt ở mức cao hơn so với chuẩn NTM của Trung ương và trung bình cả nước. Những kết quả nêu trên là những thành tựu to lớn, là kết quả tất yếu của tinh thần chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn thành phố.
Có thể nói Hải Phòng đã “đột phá” trong xây dựng NTM kiểu mẫu. Vậy cụ thể TP đã làm được những gì thưa ông?
- Ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu tổng quát: “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước”.
Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI đã xác định: “Đến năm 2025, thành phố có 100 xã cơ bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu”.
Từ năm 2020, thành phố đã thí điểm đầu tư xây dựng 8 xã NTM kiểu mẫu, với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng. Thời điểm này Trung ương mới chỉ hướng dẫn tiêu chí xã nâng cao. Trên cơ sở tổng kết thí điểm, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết về xây dựng xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Tổng nguồn lực trên 16.000 tỷ đồng. Bình quân 125 tỷ đồng/xã. Như vậy, có thể nói xây dựng xã NTM kiểu mẫu là một sáng tạo, đột phá và ưu tiên lớn về nguồn lực của thành phố Hải Phòng.
Trước hết, thành phố ưu tiên tập trung tiêu chí nâng cấp hạ tầng giao thông nông thôn để tiệp cận với đô thị với các loại đường: 9m, 7m (có vỉa hè, hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh); loại đường 5,5 và 3,5 (điện chiếu sáng, thoát nước, cây xanh). Nguồn lực đầu tư 100% từ ngân sách nhà nước.
Thứ hai là cơ chế, chính sách: Vận động nhân dân hiến đất làm đường, ngân sách hỗ trợ vật kiến trúc, hỗ trợ tiền đất khi giao đất ở mới đối với các trường hợp hiến hết đất.
So với trước đây khi nguồn ngân sách TP đầu tư cho mỗi xã khi xây dựng NTM từ 18 đến 25 tỷ đồng thì hiện tại khi thực hiện chương trình NTM kiểu mẫu mỗi xã được đầu từ vượt trội là 125 tỷ đồng.
Đến nay, thành phố đã phân bổ gần 6.500 tỷ đồng cho các xây dựng NTM kiểu mẫu và hỗ trợ 5,7 tỷ đồng vốn sự nghiệp để thực hiện quả quản lý, vận hành hệ thống điện chiếu sáng tại các tuyến đường.
Đã có 16.164 trường hợp tự nguyện tặng cho quyền sử dụng 392.820m2 đất, giá trị ước tính đạt trên 700 tỷ đồng (nếu tính theo đơn giá đền bù), đạt gần 5.000 tỷ đồng (nếu ước tính theo thực tế giá trị đất giao dịch).
Kết quả đã có 22 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Dự kiến cuối năm 2023 sẽ có thểm 35 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng số xã đật chuẩn là 57 xã.
Với sự chung tay hiến đất của người dân và sự đầu tư bài bản của thành phố, diện mạo nông thôn đã thay đổi, nhất là hạ tầng giao thông (nhiều nơi còn đẹp hơn thành phố, thực sự là rất đáng sống). Ngoài ra, thành phố còn triển khai nhiều nội dung, chương trình để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, thu nhập cho người dân như: Chương trình OCOP; Chương trình bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp - an toàn; Chương tình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn; giữ gìn an ninh trật tự xã hội.
Phải chăng TP nhờ vào sự đồng thuận của người dân?
- Phong trào xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân cùng với đó TP Hải Phòng đề cao công tác tuyên truyền, sự đồng thuận của người dân. Quy tụ sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống, mọi tầng lớp người dân tham gia. Nhờ đó Hải Phòng gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trên mọi phương diện.
Chính cách làm sáng tạo lấy dân làm gốc, huy động tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị đã giúp Hải Phòng trở thành địa phương cán đích hoàn thành chương trình NTM rất sớm.
Tính đến tháng 6/2023, Hải Phòng đã có tất cả 7/7 huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Mục tiêu của Hải Phòng đến năm 2025 sẽ có 100% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 4 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và thành phố Hải Phòng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.