Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hải Phòng: Vì sao hàng nghìn công nhân đình công?

Vĩnh Quân - Hải Yến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng nghìn công nhân nhà máy giày Liên Thuấn 2 thuộc Công ty TNHH Đỉnh Vàng (xã Tam Cường, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) đã đình công, hiện chưa đi làm trở lại.

Ngày 19/3, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Đinh Hữu Lâm - Chủ tịch xã Tam Cường xác nhận có sự việc trên và cho biết: “Chiều 18/3, hàng nghìn công nhân nhà máy giày Công ty TNHH Đỉnh Vàng tổ chức đình công. Sau khi nhận được thông tin, Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng cùng cơ quan chức năng đã phối hợp làm công tác ổn định trật tự. Hiện nay, các đơn vị đã nắm được kiến nghị của công nhân, đồng thời yêu cầu công ty xem xét để giải quyết”.

Nhà máy giày Liên Thuấn 2 , nơi hàng nghìn công nhân đình công. Ảnh Hải Yến
Nhà máy giày Liên Thuấn 2 , nơi hàng nghìn công nhân đình công. Ảnh Hải Yến

Theo báo cáo của UBND huyện Vĩnh Bảo, khoảng 13 giờ 30 phút, ngày 18/3, khoảng 1.000 người lao động tập trung tại sân nhà máy của công ty có một số nội dung kiến nghị với ban lãnh đạo công ty; số lao động còn lại vẫn làm việc bình thưởng. Đến 17 giờ cùng ngày toàn bộ số công nhân đình công tự giải tán về nhà.

Công nhân đình công, đề nghị công ty tăng lương và một số phụ cấp. Ảnh: Hải Yến
Công nhân đình công, đề nghị công ty tăng lương và một số phụ cấp. Ảnh: Hải Yến

Tại nội dung đơn kiến nghị của tập thể công nhân có yêu cầu công ty tăng lương cơ bản; hỗ trợ tiền xăng xe cho người lao động; duy trì tham gia đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động bằng mức lương tối thiểu vùng (4.729.000 đồng); không nhất trí lấy mức lương và các khoản phụ cấp khác để cộng vào tham gia đóng bảo hiểm; Đề nghị công ty thực hiện tháng lương thứ 13 cho người lao động; Đề nghị công ty tăng tiền ăn trưa cho người lao động; Người lao động không ăn trưa tại công ty đề nghị được cộng vào lương hàng tháng; Đề nghị công ty hỗ trợ ăn ca làm thêm vào buổi tối.

Xuất ăn của công nhân được tăng từ 12.000 đồng lên 13.500 đồng. Ảnh: Hải Yến 
Xuất ăn của công nhân được tăng từ 12.000 đồng lên 13.500 đồng. Ảnh: Hải Yến 

Ông Nguyễn Đức Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo thông tin: Qua kiểm tra sơ bộ cho thấy, phía nhà máy thực hiện chế độ tiền lương, BHXH đúng theo quy định. Phía công ty đã tổ chức đối thoại trực tiếp và vận động người lao động sớm trở lại làm việc trong hôm nay (19/3). 

“UBND huyện Vĩnh Bảo đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan, UBND xã Tam Cường tiếp tục nắm tình hình, không để kẻ xấu lợi dụng lôi kéo làm phức tạp thêm vấn đề. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ cùng các sở, ngành thành phố hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết vụ việc theo quy định, đảm bảo ổn định an ninh trật tự trên địa bàn” - ông Nguyễn Đức Cảnh nói.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, sáng cùng ngày tại Công ty TNHH Đỉnh Vàng mặc dù vẫn là ngày làm việc nhưng không có bất kỳ công nhân nào đến làm, cổng công ty cũng đã khóa.

Hiện công nhân vẫn chưa quay trở lại làm việc. Ảnh: Hải Yến
Hiện công nhân vẫn chưa quay trở lại làm việc. Ảnh: Hải Yến

Anh B.V.T trú tại xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo là công nhân thuộc  phân xưởng pha cắt búc xúc: “Công ty chưa có chính sách hỗ trợ xăng xe và đóng BHXH theo đúng quy định của Luật BHXH. Lương tháng 13 tùy thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty. Tôi làm việc tại công ty gần 8 năm, nhưng mới được đóng bảo hiểm 3 năm, tuy nhiên những yêu cầu của công nhân vẫn không được công ty này đồng ý tăng lương mà chỉ tăng tiền ăn từ 12.000 đồng lên 13.500 đồng/1 xuất từ ngày 18/3 (ai không ăn sẽ không được cộng vào lương) và hỗ trợ 1 bánh bao cho người lao động tăng ca đến 20 giờ. Chúng tôi không đồng ý với thỏa thuận đó và chỉ đi làm trở lại nếu công ty đồng tăng lương, tăng tiền chuyên cần, thâm niên… như đề nghị của toàn bộ công nhân”.

Một công nhân khác cũng thuộc phân xưởng pha cắt cho rằng: "Chúng tôi chỉ đình công và yêu cầu những quyền lợi tối thiểu để đảm bảo cuộc sống hàng ngày thôi. Xuất ăn của công nhân chỉ có ít rau, 2 con tôm, miếng đậu thì liệu có đủ sức để chúng tôi đứng suốt 12 giờ hay không? Đây là sự thật, vì thấy bất bình nên công nhân buộc phải đình công…”

Trước sự việc nêu trên, đề nghị các cơ quan chức năng, các bên liên quan cần sớm vào cuộc giải quyết những vướng mắc, đảm bảo quyền lợi của người lao động, ổn định tình hình khu vực để các công nhân đi làm trở lại...