Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hải Phòng: vùng đất cổ nổi tiếng trong lịch sử, niềm tự hào của người dân thành phố

Kinhtedothi - Hải Phòng là vùng đất cổ nổi tiếng trong lịch sử khi nữ tướng Lê Chân khai phá lập nên trang An Biên ở đây.

Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc tên gọi “Hải Phòng”. Một giả thuyết cho rằng tên gọi này bắt nguồn từ “ty sở nha Hải Phòng sứ” hoặc “đồn Hải Phòng” do Bùi Viện lập năm 1870 dưới triều Tự Đức với căn cứ như sau: "Bến cảng trên sông Cấm trước khi gọi là Hải Phòng đã được gọi là Ninh Hải, địa danh Ninh Hải được dùng chính thức trong giấy tờ, sử sách của ta từ trước khi có tên Hải Phòng cho đến khi bị tên Hải Phòng loại hẳn".

Trong lịch sử, vùng đất này từng gắn liền với nhiều chiến thắng hào hùng trên sông Bạch Đằng như: Ngô Quyền năm 938, Lê Hoàn năm 981, Trần Hưng Đạo năm 1288. Dưới thời Hậu Lê (giai đoạn Lê sơ), vùng này nằm trong xứ Hải Dương (là miền cực đông duyên hải của xứ này)

Tới thời nhà Mạc - vốn có quê hương tại đây - vùng này được phát triển thành kinh đô thứ hai gọi là Dương Kinh. Sau đó, từ thời nhà Lê trung hưng đến nhà Nguyễn, vùng này thuộc trấn Hải Dương và sau này là tỉnh Hải Dương (1831).

Bưu điện TP Hải Phòng. Ảnh Tiến Bảo

Khi Pháp đánh chiến Bắc Kỳ lần thứ nhất năm 1873-1874, nhà Nguyễn phải ký hòa ước Giáp Tuất, trong đó quy định nhà Nguyễn phải mở cửa thông thương các cảng Ninh Hải (Hải Phòng) thuộc tỉnh Hải Dương và Thị Nại tỉnh Bình Định, để đổi lấy việc Pháp rút quân khỏi Bắc Kỳ. Sau đó tại cảng Ninh Hải này, nhà Nguyễn và Pháp lập nên một cơ quan thuế vụ chung, quản lý việc thương mại ở vùng cảng này gọi là Hải Dương thương chính quan phòng. Dù trải qua nhiều biến động, cái tên “Hải Phòng” luôn khắc sâu trong tâm trí người dân. 

Đầu tháng 4/1929, tổ chức cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng được thành lập. Tháng 4/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thành phố Hải Phòng được thành lập, là một trong số ít những tổ chức đảng ra đời đầu tiên ở trong nước.

Từ khi có Đảng lãnh đạo, phong trào công nhân và phong trào yêu nước của Nhân dân Hải Phòng diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết. Hải Phòng là một trong những trung tâm của phong trào cách mạng cả nước trong các cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939 và 1939-1945.

Trong cao trào kháng Nhật cứu nước, Hải Phòng-Kiến An là nơi phong trào Việt Minh phát triển mạnh. Ngày 12/7/1945, Nhân dân Kim Sơn (Kiến Thuỵ) vùng lên lập Uỷ ban giải phóng, kháng Nhật thắng lợi. Tiếng trống Kim Sơn đã mở đầu cho quá trình khởi nghĩa từng phần, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở vùng duyên hải Bắc Bộ. Theo lệnh tổng khởi nghĩa, chỉ trong vòng 10 ngày từ 15 đến 25/8/1945, chính quyền tay sai các cấp của địch ở Hải Phòng, Kiến An đã bị lực lượng cách mạng đập tan, chính quyền cách mạng được thiết lập. Nhân dân Hải Phòng cùng với Nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập tự do, xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Ngày 20/11/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ ở Hải Phòng. Thực hiện lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình của Đảng, với tinh thần và ý chí quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, cùng với toàn thể Nhân dân Việt Nam, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng - Kiến An đã tiến hành thành công cuộc chiến tranh Nhân dân toàn dân, toàn diện ngay trong vùng địch tạm chiếm sâu, lập nhiều chiến công xuất sắc, làm nên truyền thống “đường 5 anh dũng”, “đường 10 quật khởi”, “Cát Bi rực lửa”… góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Với hệ thống cảng biển, sân bay Cát Bi, sân bay Kiến An, sân bay Đồ Sơn… Hải Phòng - Kiến An trở thành cầu nối duy nhất giữa miền Nam và miền Bắc trong giai đoạn này. Đây là nơi thực dân Pháp chuyên chở binh lính vào Nam, cùng đế quốc Mỹ thực hiện âm mưu phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, gài gián điệp trước khi rút khỏi miền Bắc.

Cuộc đấu tranh này kéo dài trong suốt 300 ngày, cho đến ngày 13/5/1955 quân Pháp rút khỏi Hải Phòng cũng là kết thúc quá trình đấu tranh thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ trên địa bàn thành phố. Đây đồng thời cũng là sự kiện đánh dấu miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Và từ đây miền Bắc bước vào thời kỳ mới - khôi phục kinh tế, văn hóa và bước vào thời kỳ quá độ lên xã hội chủ nghĩa.

Một góc thành phố Hải Phòng. Ảnh: Tiến Bảo

Hải Phòng sạch bóng quân thù, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Thành phố cảng sôi động khi đoàn xe lửa rước cờ đỏ sao vàng và ảnh Bác Hồ tiến vào Cảng. Nhà máy, công sở và những con tầu đồng loạt cất lên hồi còi dài chào mừng ngày lịch sử quang vinh của đất cảng, của dân tộc.

Lá cờ đỏ sao vàng chiến thắng kiêu hãnh tung bay trên bầu trời Hải Phòng, báo hiệu một trang sử mới bắt đầu. Ngày 13/5/1955 mãi mãi khắc sâu vào trí nhớ người dân đất Cảng giờ phút vinh quang hào hùng của thành phố “Trung dũng- Quyết thắng”.

Cuộc đấu tranh 300 ngày giải phóng Hải Phòng không chỉ là sự kiện lịch sử đánh dấu thắng lợi toàn diện của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn để lại nhiều bài học quý báu trong công tác lãnh đạo, tổ chức đấu tranh, tiếp quản chính quyền và phát triển đất nước. Những bài học này tiếp tục được vận dụng linh hoạt trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo.

Hải Phòng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án Bắc Sông Cấm

Hải Phòng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dự án Bắc Sông Cấm

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ