Theo đó, trước tình hình thời gian gần đây xuất hiện tình trạng xe khách tuyến cố định bỏ bến ra ngoài hoạt động, “xe dù, bến cóc” có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. UBND TP yêu cầu Sở Giao thông Vận tải (GTVT) kiểm tra, xử lý đối với các văn phòng đại diện của đơn vị vận tải, bãi trông giữ phương tiện, bãi đỗ xe tạm… nếu phát hiện có tổ chức đón trả khách, cò khách thì kiên quyết xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, chủ động rà soát quy hoạch về hạ tầng giao thông để tham mưu UBND thành phố, trước mắt cần giữ nguyên, ổn định các bến xe hiện hữu trong nội thành, nội thị đến năm 2030; tổ chức giao thông, phân luồng vận tải hành khách đảm bảo có điểm dừng, đón trả khách đúng nơi quy định; tổ chức các tuyến xe buýt để kết nối bến xe… Đồng thời, yêu cầu và hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh bến bãi có trách nhiệm, thực hiện đúng quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô và các quy định khác.
Kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng xe cá nhân để kinh doanh vận tải thông qua hình thức lập nhóm trên mạng xã hội.
Giao Ban An toàn giao thông thành phố chủ trì cùng các Sở, ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, quy định về dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ đến các tổ chức, cá nhân liên quan.
Trước đó, báo Kinh tế & Đô thị đã có bài "Xe hợp đồng "nở rộ" xe tuyến cố định đứng trước nguy cơ "bức tử"" phản ánh tình trạng trong khi các nhà xe tuyến cố định phải vào bến, chạy theo luồng, tuyến rất nghiêm ngặt thì xe hợp đồng lại tìm cách lách luật, không bị chi phối bởi các điều kiện kinh doanh vận tải và tránh được nhiều loại thuế, phí. Điều này không chỉ gây bất bình đẳng trong hoạt động vận tải mà còn khiến các nhà xe tuyến cố định đối mặt với nhiều khó khăn.