Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hải quan Hải Phòng thu giữ số lượng lớn vây cá mập

Vĩnh quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cục Hải quan Hải Phòng vừa thu giữ lượng lớn vây cá mập tại Cảng Lạch Huyện - Đình Vũ Hải Phòng.

Theo đó, ngày 30/10/2019, Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) đã chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ kiểm tra lô hàng thuộc vận đơn số HLCUMCT190701961, do tàu Northern Taguar, chuyến 303E, nhập cảnh Cảng Cái Mép - Vũng Tàu ngày 28/7/2019, Cảng đến là Lạch Huyện - Hải Phòng ngày 31/7/2019.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Lô hàng trên do Công ty TNHH dịch vụ xuất nhập khẩu quốc tế Việt Trung tại số 215E, đường Lê Thánh Tông, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, Hải Phòng là người đứng tên trên vận đơn. Công ty này đã có văn bản từ chối nhận hàng ngay khi hãng tàu Hapag - Lloyd vận chuyển và trước cả thời điểm Đội kiểm soát Hải quan ra Quyết định khám lô hàng.
Vận đơn thể hiện trên Manifest, hàng hóa là 1 container gồm: 221 bags, shark skin 46 bags (3.360kg), shark fin 175 bags (2.337kg) (tạm dịch 221 túi, trong đó da cá mập 46 túi (3.360kg), vây cá mập 175 túi (2.337kg)).
Lô hàng có nhiều chủng loại vây, da cá khác nhau nhưng có hình thức bề ngoài giống nhau, được đóng bao, đóng bó để lẫn trong một lô hàng, trong đó chủng loại hàng hóa phải có giấy phép được để lẫn vào hàng không phải có giấy phép.
Kết quả kiểm tra của lực lượng Hải quan cho thấy, hàng hóa là da cá nhám vây đuôi dài - Thresher sharks (tên khoa học Alopias spp), trọng lượng 308kg; vây ngực loài cá mập vây trắng - Oceanic whitetip shark (tên khoa học Carcharhinus longimanus), trọng lượng 31kg thuộc danh mục các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp quy định trong Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp - CITES (ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/2/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định 69/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương ngày 15/5/2018 của Chính phủ, việc nhập khẩu, xuất khẩu các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm thuộc Phụ lục CITES phải có giấy phép của cơ quan quản lý CITES của nước xuất khẩu, nhập khẩu cấp, nhưng lô hàng trên không có giấy phép theo quy định.
Đây chính là thủ đoạn nhập lậu các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm thuộc Phụ lục CITES phải có giấy phép của cơ quan quản lý CITES của nước xuất khẩu, nhập khẩu cấp, trong khi lô hàng trên không có giấy phép theo quy định.
Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.