Hầm chui Thanh Xuân bị đục đẽo không ảnh hưởng đến chất lượng công trình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đục đẽo, sửa chữa lại các khe co giãn tại hầm chui Thanh Xuân là biện pháp làm cho đúng, không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của công trình.

Theo Ban quản lý Dự án Thăng Long, việc đục đẽo khe co giãn vách ngăn hầm chui Thanh Xuân nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, chứ không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của công trình.
Việc đục đẽo khe co giãn vách ngăn hầm chui Thanh Xuân nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị, không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của công trình.
Thời gian gần đây, tại các vách của hầm chui Thanh Xuân xuất hiện các vết nứt kéo dài theo hướng thẳng đứng. Cùng với đó, là hàng loạt điểm đã bị đục đẽo, mài, chắp vá… khiến nhiều người lo lắng cho chất lượng của đoạn hầm này.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long, chủ đầu tư dự án cho biết, việc đục đẽo tại khu vực vách ngăn hầm chui Thanh Xuân là do trong quá trình xây dựng đơn vị thi công đã thực hiện không đúng các biện pháp nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị. Cụ thể, đại diện Ban quản lý Dự án Thăng Long cho biết, theo quy định điểm tiếp nối giữa hai khối ghép của khe co giãn phải tạo thành hình chữ V, nhưng đơn vị thi công đã không làm đúng, do đó phải sửa lại cho đúng.

Cũng theo đại diện Ban quản lý Dự án Thăng Long, việc đục đẽo, chắp vá lại một số vị trí tại vách ngăn của hầm chui Thanh Xuân không ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Dự án hầm chui Thanh Xuân do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP và Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Hanshin là nhà thầu; với tổng mức đầu tư hơn 551 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA Nhật Bản. Dự án có chiều dài 980m, trong đó phần hầm kín khoảng 100m. Mỗi hầm có 2 làn xe cơ giới vận tốc thiết kế 60km/h.