Hâm mộ cũng cần chuyên nghiệp

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Đội tuyển Việt Nam vừa kết thúc vòng loại thứ ba World Cup với 10 trận đấu, thua 8, thắng 1 và hòa 1. Kết quả đó được người hâm mộ cũng như truyền thông tiếp nhận với thái độ khá đúng mực, kể cả với những trận thua, những sai sót cá nhân tuyển thủ trong các trận đấu.

Tuần qua, có một sự kiện làm nức lòng người hâm mộ bóng đá nước nhà. Đội tuyển Việt Nam, với đội hình không phải mạnh nhất do một số cầu thủ dính Covid, thẻ phạt đã quả cảm cầm hòa với đội tuyển Nhật Bản, đội bóng đứng đầu châu lục, từng 7 lần góp mặt tại World Cup, ngay trên sân Saitama ở Tokyo, ngay cả khi đội chủ nhà đã tung ra đội hình mạnh nhất với quyết tâm không để đội tuyển Việt Nam chia điểm, nhất là ở những phút cuối của trận đấu nghẹt thở này.

Khỏi phải nói, truyền thông và mạng xã hội tràn ngập những lời tung hô, khen ngợi đầy sung sướng, tự hào. Như thường lệ, từ khóa được sử dụng nhiều nhất là “kỳ tích”. Cũng có đến hơn chục tờ báo tung ra những cái titre gắn với từ “địa chấn”. Điều đó hoàn toàn dễ hiểu và hợp lý. Đội tuyển của chúng ta cũng vô cùng xứng đáng với sự khen ngợi đó.

Đã có nhiều chuyên gia, nhà bình luận phân tích nguyên nhân của sự kiện đáng mừng trên, từ cách cầm quân, tinh thần thi đấu… đến kỹ chiến thuật của đội tuyển và cả sự may mắn. Tuy nhiên, theo thiển ý của người viết bài này, có một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là đội tuyển của chúng ta khi làm khách trên sân Saitama đã có một tâm lý thi đấu vô cùng thoải mái. Hay nói cách khác, các tuyển thủ của chúng ta dù đá trên sân khách, dù ra quân không phải với đội hình mạnh nhất đã vào cuộc mà không hề phải chịu một áp lực nặng nề nào, ngoài “áp lực” phải thi đấu thật hay, cống hiến cho người hâm mộ, mà trực tiếp là hơn 10.000 cổ động viên là người Việt ở Nhật Bản trên khán đài, trong đó có 7.000 người phải xoay xở để có vé vào sân vì Ban tổ chức chỉ dành cho khán giả Việt Nam có 3.000 vé!

Từ lâu, cổ động viên luôn là một bộ phận không thể tách rời của bóng đá, được coi là cầu thủ thứ 12 trên sân bóng. Cũng cần nói thêm rằng, sự mong đợi của người hâm mộ, đôi khi cũng có tác dụng ngược, gây áp lực quá lớn với các tuyển thủ, khiến họ không thể có những đường chuyền, bước chạy thanh thoát, thậm chí đôi khi chơi dưới khả năng, phải chịu những trận thua không đáng có. Thực tế đã chứng minh điều đó.

Đội tuyển Việt Nam vừa kết thúc vòng loại thứ ba World Cup với 10 trận đấu, thua 8, thắng 1 và hòa 1. Kết quả đó được người hâm mộ cũng như truyền thông đại chúng tiếp nhận với thái độ khá đúng mực, kể cả với những trận thua, những sai sót cá nhân tuyển thủ trong các trận đấu. Sự đúng mực, chuyên nghiệp của người hâm mộ và truyền thông, dường như cũng là nguồn động lực để các tuyển thủ của chúng ta tự tin, vững vàng trong trận làm khách ở sân Saitama trước đội tuyển Nhật Bản, lập kỳ tích chia điểm với đội bóng hàng đầu châu Á. Và nếu như không có sự động viên, đặt niềm tin thích đáng của người hâm mộ, Nguyễn Thanh Bình có thể tỏa sáng, lập công trong trận đấu đầy kịch tính đó hay không? Có thể thấy, cùng với hành trình đi tới chuyên nghiệp của các đội bóng, người hâm mộ cũng đã ngày một chuyên nghiệp hơn.

Sau trận đội tuyển Việt Nam hòa Nhật Bản 1 - 1 tối 29/3 tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, huấn luyện viên Park Hang-seo khen ngợi các học trò nhưng cũng khẳng định bóng đá Việt Nam cần tiếp tục học hỏi để phát triển. Từ ý kiến của thày Park, có thể nói thêm, để bóng đá Việt Nam có thể vươn lên tầm châu lục và thế giới, cổ động viên, người hâm mộ nước nhà cũng cần tiếp tục đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, mà trước hết phải là những người hâm mộ có văn hóa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần