Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù mới bắt đầu mùa mưa bão, nhưng trên địa bàn TP đã xảy ra không ít sự cố đê điều. Trước những thay đổi bất thường của thời tiết, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão (PCLB) Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát, điều chỉnh phương án PCLB cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

“Nóng” chuyện an toàn đê điều

Tuy chưa xuất hiện nhiều trận mưa lớn, nhưng thời gian qua trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ sạt lở đê. Một trong những "điểm nóng" là xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa. Cuối tháng 5/2013, trên địa bàn thôn Thành Vật, xã Đồng Tiến, một đoạn đê tả Đáy dài 1,5km đã bị sạt lở nghiêm trọng, có đoạn sạt lở gần sát vào chân đê. Điều đáng lo ngại, đây là năm thứ ba liên tiếp xã Đồng Tiến xảy ra sạt lở đê. Theo ông Quản Ngọc Biết - Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến, toàn xã có 3km đê tả Đáy, đồng thời là đường dân sinh nên những sự cố sạt lở đê thường xuyên xảy ra gây nguy hiểm tới tính mạng và tài sản của nhân dân.

Không chỉ huyện Ứng Hòa, tại nhiều địa phương khác, tình trạng mất an toàn đê điều cũng đang là mối lo ngại lớn. Huyện Đan Phượng có 35km đê từ cấp I đến cấp III cùng hệ thống kè, cống và hàng trăm ki lô mét mương tưới, tiêu. Ông Đinh Hữu Hạnh - Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết, hệ thống đê dài, đi qua các khu dân cư, lại kết hợp với đường giao thông, rất thuận tiện cho việc khai thác vật liệu xây dựng. Do vậy, công tác quản lý vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn huyện rất phức tạp và khó khăn. Trong khi đó, đa số các xã chưa chủ động xử lý vi phạm đê điều và công trình thủy lợi.
 
 
Hạn chế thấp nhất thiệt hại  do mưa, bão gây ra - Ảnh 1
 
Sạt lở đê trên địa bàn xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa. Ảnh: Quang Thiện

Theo Ban Chỉ huy PCLB Hà Nội, mặc dù TP đã chỉ đạo quyết liệt công tác chuẩn bị PCLB, úng trước mùa mưa bão. Tuy nhiên, các vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi vẫn diễn ra khá phổ biến. Công tác quản lý trật tự xây dựng ở một số quận, huyện ven đê còn lỏng lẻo. Đặc biệt, việc xử lý các vi phạm không kịp thời, thiếu kiên quyết, dứt điểm, thậm chí né tránh khiến tái diễn tình trạng vi phạm Luật Đê điều...

Rà soát phương án PCLB

Mục tiêu của công tác PCLB năm 2013 mà TP đưa ra là đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình thủy lợi. Đồng thời khắc phục nhanh hậu quả, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do mưa, bão, úng gây ra để đảm bảo sản xuất và đời sống của nhân dân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, ông Nguyễn Mạnh Hoàng - Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đề nghị, TP chỉ đạo các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ thực hiện cắm mốc chỉ giới thoát lũ, tạo điều kiện cho việc xử lý các vi phạm. Cùng với đó, xây dựng đồng bộ các điếm canh đê, kho dự trữ vật tư có diện tích lớn, đảm bảo dễ quan sát và cắm biển hạn chế tải trọng trên các tuyến đê.

Tại các cuộc kiểm tra công tác PCLB năm 2013 trên địa bàn một số huyện mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt yêu cầu các địa phương tập trung giải quyết triệt để các vi phạm đê điều và chuẩn bị tốt phương tiện, lực lượng PCLB theo phương châm "4 tại chỗ". Đặc biệt, rà soát, xây dựng phương án PCLB cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. "Một số địa phương xây dựng phương án PCLB từ rất lâu, song đến nay điều kiện kinh tế - xã hội, khí hậu có nhiều thay đổi nên cần phải thường xuyên cập nhật tình hình để điều chỉnh phương án cho phù hợp" - Phó Chủ tịch Trần Xuân Việt lưu ý.

Ban Chỉ huy PCLB TP yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tổ chức tuần tra, canh gác, phát hiện và triển khai các phương án cứu hộ đê khi có tình huống xấu xảy ra. Đối với khu vực ngoại thành, tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ mùa 2013, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các khu ruộng trũng, kết hợp các giải pháp công trình và phi công trình để chống úng hiệu quả.q

 
Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư cho biết, tính đến ngày 26/6, bão số 2 đã làm 2 người chết, 1 người mất tích. Về sản xuất nông nghiệp, các địa phương vẫn đang tích cực bơm nước tiêu úng, tuy nhiên tới ngày 26/6, vẫn còn nhiều diện tích lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị ngập. Trong đó, Nghệ An còn hơn 4.000ha, Hà Tĩnh còn 3.700ha, Ninh Bình còn 135ha...